/ Tư vấn
/ Hướng dẫn khám giám định lại tai nạn lao động tái phát

Hướng dẫn khám giám định lại tai nạn lao động tái phát

09/06/2022 07:19 |

(LSVN) - Tôi bị suy giảm sức khỏe do tai nạn lao động. Mới đây, vết thương này của tôi tái phát làm suy giảm sức khỏe nghiêm trọng. Vậy, trong trường hợp này, người lao động có được khám giám định lại không? Nếu có thì thực hiện như thế nào? Bạn đọc M.A. có hỏi.

Ảnh minh họa. 

Về vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh, Công ty Luật TNHH TGS cho biết, Điều 47 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định về các trường hợp người  lao động được giám định mức suy giảm khả năng lao động như sau:

"1. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe;

b) Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định;

c) Đối với trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị."

Theo đó, nếu vết thương tai nạn lao động tái phát, người lao động sẽ được giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau khi vết thương tái phát đã được điều trị ổn định.

Bên cạnh đó, căn cứ Điều 12 Thông tư 56/2017/TT-BYT, thời điểm người lao động được khám giám định lại được xác định như sau:

(i) Trường hợp thông thường: Được giám định lại sau ít nhất 24 tháng kể từ ngày được kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động gần nhất trước đó;

(ii) Trường hợp vết thương tai nạn lao động tiếp tục tiến triển dần đến thay đổi mức độ tổn thương: Hội đồng Giám định y khoa được kết luận thời hạn lần khám giám định tiếp theo ngắn hơn so với thời hạn 24 tháng kể từ ngày được kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động gần nhất trước đó. 

Ngoài ra, theo điểm g khoản 1 Điều 11 Thông tư 56/2017/TT-BYT, trường hợp giám định lại vết thương tai nạn lao động tái phát, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ khám giám định với các giấy tờ gồm:

- Giấy đề nghị khám giám định theo mẫu tại Phụ lục 2 Thông tư 56/2017/TT-BYT;

- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Tóm tắt hồ sơ bệnh án theo mẫu tại Phụ lục 4 kèm hoặc Giấy ra viện theo mẫu tại Phụ lục 3 của Thông tư 65, trong đó ghi rõ tổn thương tái phát;

(Lưu ý: Trường hợp vết thương tái phát không có khả năng điều trị ổn định thì bản tóm tắt hồ sơ bệnh án điều trị phải ghi rõ tổn thương do tai nạn lao động không có khả năng điều trị ổn định.)

- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ: Biên bản Giám định y khoa lần gần nhất kèm theo các Giấy chứng nhận thương tích được giám định trong Biên bản đó;

Lưu ý: Trường hợp vết thương tai nạn lao động tiếp tục tiến triển dần đến thay đổi mức độ tổn thương thì phải nộp Bản chính biên bản giám định y khoa lần gần nhất, trong đó phải ghi rõ kết luận về thời hạn đề nghị giám định lại.

- Một trong các giấy tờ có ảnh: Chứng minh nhân dân/ Thẻ Căn cước công dân/Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

(Lưu ý: Nếu không có các giấy tờ trên thì phải có Giấy xác nhận của Công an cấp xã có dán ảnh và đóng giáp lai trên đó, được cấp trong tối đa 03 tháng tính đến thời điểm đề nghị khám giám định.)

PV

Đề xuất danh mục vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý gồm 133 vị trí

Nguyễn Mỹ Linh