Ảnh minh họa.
Thông tư này quy định về việc công nhận đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài; giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo nghề Luật sư và miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề Luật sư; thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề Luật sư; trưởng chi nhánh, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của chi nhánh và thông báo thành lập văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề Luật sư; cấp lại giấy phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài, giấy phép hành nghề tại Việt Nam của Luật sư nước ngoài; đại hội Luật sư của đoàn Luật sư, Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc; kiểm tra, chế độ báo cáo và một số biểu mẫu về tổ chức và hoạt động Luật sư.
Thông tư số 17/2011/TT-BTP ngày 14/10/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số quy định của Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư, Nghị định hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Luật sư về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư và Thông tư số 02/2015/TT-BTP ngày 16/01/2015 của Bộ Tư pháp quy định một số mẫu giấy tờ về Luật sư và hành nghề Luật sư hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Công nhận đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài
Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài được công nhận trong các trường hợp sau đây:
a) Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài được cấp bởi cơ sở đào tạo nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của hiệp định, thỏa thuận về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà Việt Nam đã ký kết;
b) Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài được cấp bởi cơ sở đào tạo mà các chương trình đào tạo đã được cơ quan kiểm định chất lượng của nước đó công nhận hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc giấy tờ chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài.
Người đã hoàn thành chương trình đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài muốn được công nhận ở Việt Nam thì nộp hồ sơ trực tuyến tại Cổng dịch vụ công Bộ Tư pháp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Bộ Tư pháp. Hồ sơ gồm có: giấy đề nghị công nhận đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài; bản sao giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài kèm theo giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp quy định tại điểm a hoặc điểm b nói trên; bản sao kết quả đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài.
Trừ giấy đề nghị công nhận đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài, các giấy tờ khác trong hồ sơ phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật và được dịch ra tiếng Việt; bản dịch tiếng Việt được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định công nhận đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài, trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo nghề Luật sư và miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề Luật sư
Giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề Luật sư theo quy định tại Điều 13 của Luật Luật sư hoặc được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề Luật sư theo quy định tại Điều 16 của Luật Luật sư bao gồm một trong các giấy tờ sau đây:
- Bản sao quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên hoặc nghị quyết của hội đồng nhân dân, biên bản bầu thẩm phán của hội đồng nhân dân đối với trường hợp thẩm phán do hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh bầu.
- Bản sao quyết định phong hàm giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật hoặc bản sao bằng tiến sỹ luật.
- Bản sao quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát, thẩm tra viên chính ngành tòa án, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát hoặc quyết định bổ nhiệm chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.
- Bản sao quyết định tuyển dụng, hợp đồng làm việc trong lĩnh vực pháp luật.
Các giấy tờ hợp pháp khác chứng minh là người được miễn đào tạo nghề Luật sư; miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề Luật sư.
Thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư
Khi có căn cứ xác định Luật sư thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư.
Khi có căn cứ xác định Luật sư thuộc một trong những trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, h, i và k khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư thì đoàn Luật sư nơi người đó là thành viên hoặc các cơ quan, tổ chức khác có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư của người đó kèm theo các giấy tờ chứng minh Luật sư thuộc trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư.
Trong trường hợp Luật sư bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách Luật sư của đoàn Luật sư theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định kỷ luật Luật sư, ban chủ nhiệm đoàn Luật sư có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư kèm theo quyết định kỷ luật Luật sư. Người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư phải chấm dứt hoạt động hành nghề Luật sư kể từ ngày có quyết định kỷ luật Luật sư bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách Luật sư của đoàn Luật sư.
Hàng năm, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, sở tư pháp có trách nhiệm rà soát người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư để đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư, trừ trường hợp quyết định kỷ luật Luật sư bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách Luật sư của đoàn Luật sư bị khiếu nại và đang được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư được gửi cho người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư, đoàn Luật sư nơi người đó đã là thành viên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương, sở tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương nơi có đoàn Luật sư mà người đó đã là thành viên. Trong trường hợp người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư do không gia nhập đoàn Luật sư theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư thì quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư được gửi cho người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư và sở tư pháp nơi gửi hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư của người đó. Quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam ra quyết định thu hồi thẻ Luật sư của người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư. Quyết định thu hồi thẻ Luật sư được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư có trách nhiệm nộp lại bản gốc chứng chỉ hành nghề Luật sư và thẻ Luật sư cho đoàn Luật sư nơi mình đã là thành viên. Ban chủ nhiệm đoàn Luật sư có trách nhiệm thu và tiêu hủy chứng chỉ hành nghề Luật sư, thẻ Luật sư.
Trong trường hợp người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư do không gia nhập đoàn Luật sư theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư thì người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư nộp lại bản gốc chứng chỉ hành nghề Luật sư cho sở tư pháp nơi gửi hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư. Sở tư pháp có trách nhiệm thu và tiêu hủy chứng chỉ hành nghề Luật sư.
Chứng chỉ hành nghề Luật sư, thẻ Luật sư bị tiêu hủy dưới hình thức cắt góc bên trái của chứng chỉ hành nghề Luật sư, thẻ Luật sư.
Cấp lại chứng chỉ hành nghề Luật sư
Việc cấp lại chứng chỉ hành nghề Luật sư được thực hiện theo quy định tại Điều 19 của Luật Luật sư. Người đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề Luật sư thuộc trường hợp đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư nộp hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề Luật sư cho ban chủ nhiệm đoàn Luật sư theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật Luật sư. Người đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề Luật sư thuộc trường hợp được miễn tập sự hành nghề Luật sư nộp hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề Luật sư tại sở tư pháp nơi người đó thường trú theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Luật sư.
Trong trường hợp chứng chỉ hành nghề Luật sư bị mất, bị rách, bị cháy hoặc vì lý do khách quan mà thông tin trên chứng chỉ hành nghề Luật sư bị thay đổi thì được cấp lại chứng chỉ hành nghề Luật sư.
Thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề Luật sư được thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Luật Luật sư.
Trưởng chi nhánh của tổ chức hành nghề Luật sư
Văn phòng Luật sư, công ty luật cử Luật sư là thành viên hoặc Luật sư làm việc theo hợp đồng lao động làm trưởng chi nhánh, trừ trường hợp Luật sư nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam. Trưởng văn phòng Luật sư, giám đốc công ty luật, Luật sư thành viên chỉ được làm trưởng chi nhánh của một chi nhánh trực thuộc văn phòng Luật sư, công ty luật đó. Luật sư làm việc theo hợp đồng lao động chỉ được làm trưởng chi nhánh của một chi nhánh của một tổ chức hành nghề Luật sư.
Trưởng văn phòng Luật sư, giám đốc công ty luật chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư và các đơn vị trực thuộc.
Chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề Luật sư
Tổ chức hành nghề Luật sư thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của chi nhánh theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật Luật sư thì được sở tư pháp nơi đăng ký hoạt động của chi nhánh cấp lại giấy đăng ký hoạt động.
Tổ chức hành nghề Luật sư thành lập văn phòng giao dịch thì gửi văn bản thông báo về việc thành lập văn phòng giao dịch, trong đó ghi rõ địa chỉ văn phòng giao dịch cho sở tư pháp, đoàn Luật sư ở địa phương nơi đăng ký hoạt động. Trong trường hợp văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề Luật sư tạm ngừng, chấm dứt hoặc thay đổi địa chỉ hoạt động thì tổ chức hành nghề Luật sư có văn bản thông báo cho sở tư pháp chậm nhất là 05 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng, chấm dứt hoặc thay đổi địa chỉ hoạt động. Sở tư pháp ghi nhận việc tạm ngừng, chấm dứt hoặc thay đổi địa chỉ hoạt động của văn phòng giao dịch trên giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp, ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc kiểm tra về tổ chức, hoạt động Luật sư
Bộ Tư pháp, ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện kiểm tra về tổ chức và hoạt động Luật sư theo thẩm quyền.
Cục Bổ trợ tư pháp giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện kiểm tra theo kế hoạch hàng năm về tổ chức và hoạt động Luật sư trong phạm vi toàn quốc và thực hiện kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Sở tư pháp giúp ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện kiểm tra về tổ chức và hoạt động Luật sư tại địa phương. Hàng năm, căn cứ tình hình thực tế, sở tư pháp lập kế hoạch kiểm tra tổ chức và hoạt động Luật sư tại địa phương, trong đó xác định rõ đối tượng kiểm tra, thời gian và nội dung kiểm tra; nhiệm vụ và quyền hạn của trưởng đoàn kiểm tra và thành viên đoàn kiểm tra; quyền, nghĩa vụ của đối tượng kiểm tra; trình tự, thủ tục kiểm tra.
Sở tư pháp thực hiện kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tư pháp hoặc ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong tổ chức, hoạt động Luật sư.
Kế hoạch kiểm tra tổ chức và hoạt động Luật sư được thông báo bằng văn bản cho đối tượng kiểm tra chậm nhất là 07 ngày làm việc trước ngày tiến hành kiểm tra.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, sở tư pháp gửi báo cáo cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tư pháp về kết quả kiểm tra hoặc kết luận kiểm tra.
Các nguyên tắc kiểm tra tổ chức, hoạt động Luật sư
- Công khai, khách quan, minh bạch và đúng kế hoạch đã được phê duyệt, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất.
- Bảo đảm tính bảo mật trong hành nghề Luật sư theo quy định của Luật Luật sư và các quy định của pháp luật có liên quan.
- Tuân thủ quy định của pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư, các quy định của pháp luật có liên quan.
Nội dung kiểm tra tổ chức, hoạt động Luật sư
Đối với tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, việc kiểm tra tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề Luật sư; đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư; kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư; việc đăng ký, giám sát tập sự hành nghề Luật sư;
b) Đăng ký gia nhập đoàn Luật sư; cấp, đổi, thu hồi thẻ Luật sư;
c) Thực hiện bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ;
d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền;
đ) Thực hiện các quy định của pháp luật về tài chính, kế toán, thống kê;
e) Báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất; lập các mẫu sổ sách và lưu trữ giấy tờ tài liệu theo quy định của Luật Luật sư và các quy định của pháp luật có liên quan;
g) Thực hiện các quy định của pháp luật về hợp tác quốc tế;
h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư theo quy định của pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư, quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Đối với tổ chức hành nghề Luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài tại Việt Nam, việc kiểm tra tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Thực hiện các quy định về đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư Việt Nam; đề nghị cấp, cấp lại, thay đổi nội dung giấy phép thành lập và giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài tại Việt Nam; đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép hành nghề tại Việt Nam của Luật sư nước ngoài;
b) Thực hiện các quy định của pháp luật về lao động trong trường hợp có thuê lao động;
c) Thực hiện các quy định của pháp luật về thuế, tài chính, kế toán, thống kê;
d) Ký kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý theo quy định của pháp luật;
đ) Tiếp nhận, theo dõi, hướng dẫn người tập sự hành nghề Luật sư;
e) Báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất; lập các mẫu sổ sách và lưu trữ các giấy tờ tài liệu theo quy định của Luật Luật sư và các quy định của pháp luật có liên quan;
g) Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho Luật sư của tổ chức hành nghề Luật sư theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;
h) Tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ và tham gia trợ giúp pháp lý của Luật sư hành nghề tại tổ chức;
i) Thực hiện các quy định khác của pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư.
Đối với Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, nội dung kiểm tra tập trung vào các nội dung ghi trong giấy đăng ký hành nghề Luật sư của Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và việc tuân thủ các quy định của pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư, quy định của pháp luật có liên quan.
Nhiệm vụ, quyền hạn của đoàn kiểm tra
Đoàn kiểm tra gồm có trưởng đoàn và các thành viên. Trưởng đoàn kiểm tra là đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư. Các thành viên đoàn kiểm tra bao gồm đại diện của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc kiểm tra về tổ chức và hoạt động Luật sư.
Trưởng đoàn kiểm tra có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Chỉ đạo thực hiện đúng nội dung, thời hạn ghi trong quyết định kiểm tra;
b) Báo cáo người ban hành quyết định kiểm tra gia hạn thời hạn kiểm tra trong trường hợp cần thiết;
c) Yêu cầu đối tượng kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra;
d) Lập biên bản kiểm tra; xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của biên bản, báo cáo đó;
đ) Lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong tổ chức, hoạt động Luật sư.
Các thành viên trong đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng đoàn kiểm tra và có trách nhiệm bảo mật thông tin liên quan đến đối tượng kiểm tra.
Quyền và nghĩa vụ của đối tượng kiểm tra
Đối tượng kiểm tra có các quyền: yêu cầu thành viên đoàn kiểm tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan giữ bí mật thông tin theo quy định của pháp luật; nhận biên bản kiểm tra và yêu cầu giải thích nội dung biên bản kiểm tra; bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra; từ chối việc kiểm tra khi không có quyết định kiểm tra; từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm tra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm tra và các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Đối tượng kiểm tra có nghĩa vụ chấp hành quyết định kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chuẩn bị đầy đủ các báo cáo và sổ sách theo quy định tại Thông tư này, các hồ sơ, tài liệu khác có liên quan theo quy định của pháp luật; cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra theo yêu cầu của đoàn kiểm tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp; ký biên bản kiểm tra sau khi kết thúc kiểm tra; chấp hành quyết định của đoàn kiểm tra và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
NGỌC ANH
Hà Nội phấn đấu hoàn thành tiêm 961.000 liều vaccine Covid-19 trong đợt nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9