Ảnh minh họa.
Theo đó, dịch Covid-19 tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp với nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận ca mắc và có khả năng lan rộng trong thời gian tới. Nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động xét nghiệm phục vụ giám sát, phòng, chống dịch Covid-19, theo Hướng dẫn sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SAR-CoV-2 ban hành kèm theo Quyết định số 2022/QĐ-BYT ngày 28/4/2021 của Bộ Y tế, tiếp theo Công văn số 3805/BYT-DP ngày 07/5/2021 của Bộ Y tế về việc củng cố năng lực, đảm bảo chất lượng xét nghiệm, để chủ động triển khai xét nghiệm trên diện rộng, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc sử dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên như sau:
Căn cứ tình hình diễn biến dịch tại địa phương, Sở Y tế hướng dẫn các cơ sở y tế, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho các đối tượng sau:
- Nhân viên y tế, người chăm sóc, nhân viên phục vụ (không có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19) tại các cơ sở cách ly có người đang được cách ly;
- Bệnh nhân đang điều trị nội trú, người đến khám bệnh tại bệnh viện, cơ sở y tế (không có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19);
- Các đối tượng thuộc diện cách ly tại nhà (F2)
- Người dân ở trong ổ dịch đã được khoanh vùng cách ly;
- Người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu (không có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19), thường xuyên tiếp xúc với cộng đồng trong ổ dịch đã được khoanh vùng cách ly;
- Người làm trong lĩnh vực dịch vụ, thường xuyên tiếp xúc với cộng đồng (nhân viên quán bar, vũ trường, karaoke, khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm, lái xe...);
- Cán bộ, người làm nhiệm vụ ở các cửa khẩu, đường biên, thường tiếp xúc với các đối tượng nguy cơ;
- Người làm việc trong các khu công nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp, tổng công ty...
- Các nhóm đối tượng nguy cơ cao khác theo hướng dẫn của Sở Y tế.
Việc xét nghiệm rà soát được thực hiện định kỳ tối thiểu 5 - 7 ngày/lần hoặc theo nhu cầu và nguồn lực của các cơ sở y tế, cơ quan, đơn vị với sự hỗ trợ của nhân viên y tế nhằm mở rộng các đối tượng được xét nghiệm, tăng cường khả năng giám sát và giảm tải cho hệ thống y tế.
Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, cá nhân hoặc tổ chức thông báo ngay với cơ sở y tế để triển khai sớm các biện pháp phòng chống dịch và thực hiện xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp Realtime RT-PCR theo các hướng dẫn của Bộ Y tế. Kết quả xét nghiệm âm tính chưa đủ để khẳng định người được xét nghiệm không mắc Covid-19, do đó vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch theo nguyên tắc 5K và tiếp tục theo dõi, xét nghiệm theo quy định.
PHƯƠNG THẢO