/ Thư viện pháp luật
/ Hướng dẫn về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Hướng dẫn về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

18/04/2023 09:10 |

(LSVN) - Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 do Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong đó, hướng dẫn về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra quy định tại Điều 601 của Bộ luật Dân sự.

 

Ảnh minh họa.

Điều 12 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP quy định cụ thể, nguồn nguy hiểm cao độ được xác định theo quy định tại Điều 601 của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan.

Ví dụ 1: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự theo quy định tại khoản 18 Điều 3 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là nguồn nguy hiểm cao độ.

Ví dụ 2: Vũ khí theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi, bổ sung năm 2019 là nguồn nguy hiểm cao độ.

Người được chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trừ trường hợp giữa chủ sở hữu và người được giao chiếm hữu, sử dụng có thỏa thuận khác không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường.

Ví dụ: các thỏa thuận sau đây không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường:

- Thỏa thuận cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại;

- Thỏa thuận chủ sở hữu bồi thường thiệt hại trước bằng tài sản hợp pháp, sau đó người được giao chiếm hữu, sử dụng sẽ hoàn trả cho chủ sở hữu khoản tiền đã bồi thường trong trường hợp chủ sở hữu có điều kiện bồi thường.

Trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không đúng quy định của pháp luật mà gây thiệt hại, thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại.

Ví dụ: Chủ sở hữu biết người đó không có bằng lái xe ô tô nhưng vẫn giao quyền chiếm hữu, sử dụng cho họ mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại.

Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ngay cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

- Thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

Ví dụ: Khu vực có biển báo là nguồn điện cao thế nguy hiểm chết người nhưng A vẫn vào trộm đồ và bị điện giật chết là trường hợp hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.

- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.

Trách nhiệm bồi thường trong tình thế cấp thiết được thực hiện theo quy định tại Điều 595 của Bộ luật Dân sự.

Ví dụ: A đang lái xe ô tô theo đúng Luật Giao thông đường bộ, B lái xe máy theo hướng ngược chiều với A và lấn làn đường của A. Để tránh gây tai nạn cho B và không còn cách nào khác nên A đã lái xe va vào chiếc xe máy thuộc sở hữu của C đang đậu trên lề đường gây thiệt hại cho C. Trường hợp này là tình thế cấp thiết, A không phải bồi thường thiệt hại cho C mà B phải bồi thường thiệt hại cho C vì B đã gây ra tình thế cấp thiết theo khoản 2 Điều 595 của Bộ luật Dân sự.

Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật mà gây thiệt hại thì giải quyết như sau:

- Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp không có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

- Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp và người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 06/9/2022 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023.

HỒNG HẠNH

Người vợ có được quyền đòi lại 1/2 giá trị của chiếc xe ôtô khi bị tịch thu?

Bùi Thị Thanh Loan