/ Pháp luật - Tiêu dùng
/ Hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị, dụng cụ y tế

Hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị, dụng cụ y tế

17/07/2022 09:39 |

(LSVN) - Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với thiết bị, dụng cụ y tế.

Bổ sung 12 mặt hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục dự trữ quốc gia

Ảnh minh họa. 

Thuế GTGT thiết bị, dụng cụ y tế trước ngày 01/8/2021

Căn cứ Điểm 1 Khoản 2 Điều 8 Luật 13/2008/QH12 Luật Thuế GTGT thì: thiết bị, dụng cụ y tế; bông băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; sản phẩm hóa dược, dược liệu là nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh có thuế suất thuế GTGT là 5%. Căn cứ Khoản 2 Điều 6 Nghị định 209/2013/NĐ-CP ngày 8/12/2013 của Chính phủ quy định: Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại Khoản 2 Điều 8 Luật Thuế GTGT và Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT. Một số trường hợp áp dụng mức thuế suất 5% được quy định cụ thể (không có trang thiết bị y tế).

Căn cứ khoản 8 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính, quy định về thuế mức thuế suất thuế GTGT 5% như sau:

8. Sửa đổi, bổ sung Khoản 11 Điều 10 như sau:

“11. Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ chuyên dùng chở y tế như: các loại máy soi, chiếu, chụp dùng để khám, chữa bệnh; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương, ô tô cứu thương; dụng cụ đo huyết áp, tim, mạch, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai và các dụng cụ, thiết bị chuyên dùng cho y tế khác theo xác nhận của Bộ Y tế.

Bông, băng, gạc y tế và băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, trừ thực phẩm chức năng; vắc-xin; sinh phẩm y tế, nước cất để pha chế thuốc tiêm, dịch truyền; mũ, quần áo, khẩu trang, săng mổ, bao tay, bao chi dưới, bao giày, khăn, găng tay chuyên dùng cho y tế, túi đặt ngực và chất làm đầy da (không bao gồm mỹ phẩm); vật tư hóa chất xét nghiệm, diệt khuẩn dùng trong y tế theo xác nhận của Bộ Y tế.”

Căn cứ các quy định trên, trường hợp thiết bị, dụng cụ cho y tế của Công ty không được liệt kê tên cụ thể, được xác định là “các dụng cụ, thiết bị chuyên dùng cho y tế khác”, nếu được Bộ Y tế xác nhận là các dụng cụ, thiết bị chuyên dùng cho y tế theo quy định tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC thì áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 5%. Trường hợp không có xác nhận của Bộ Y tế thì áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 10%.

Thuế GTGT thiết bị, dụng cụ y tế từ ngày 01/8/2021

Căn cứ Điều 1 Thông tư số 43/2021/TT-BTC ngày 11/6/2021 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế GTGT (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính) có hiệu lực thi hành ngày 1/8/2021, quy định về mức thuế suất thuế GTGT 5% như sau:

‘‘Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Khoản 11 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính) như sau:

“11. Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ y tế: các loại máy soi, chiếu, chụp dùng để khám, chữa bệnh; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương, ô tô cứu thương; dụng cụ đo huyết áp, tim, mạch, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai; các dụng cụ, thiết bị y tế có Giấy phép nhập khẩu hoặc Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành hoặc Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về y tế hoặc theo Danh mục trang thiết bị y tế thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 14/2018/TT-BYT ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Bông, băng, gạc y tế và băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, trừ thực phẩm chức năng; vắc-xin; sinh phẩm y tế, nước cất để pha chế thuốc tiêm, dịch truyền; mũ, quần áo, khẩu trang, săng mổ, bao tay, bao chi dưới, bao giày, khăn, găng tay chuyên dùng cho y tế, túi đặt ngực và chất làm đầy da (không bao gồm mỹ phẩm); vật tư hóa chất xét nghiệm, diệt khuẩn dùng trong y tế.”

Căn cứ quy định trên, trường hợp doanh nghiệp đáp ứng các quy định về Giấy phép nhập khẩu hoặc Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành hoặc Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về y tế hoặc theo Danh mục trang thiết bị y tế thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 14/2018/TT-BYT ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế, thì áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 5%.

Ngoài ra, căn cứ Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 quy định: Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau...

PV

Bị sa thải trái pháp luật NLĐ cần phải làm gì?

Lê Minh Hoàng