/ Pháp luật - Tiêu dùng
/ Huyện Bình Chánh (TP. HCM): Chính quyền xã Hưng Long có cưỡng chế chòi canh cá sai pháp luật?

Huyện Bình Chánh (TP. HCM): Chính quyền xã Hưng Long có cưỡng chế chòi canh cá sai pháp luật?

05/01/2021 17:54 |

LSVNO - Chị Dương Thị Thu Trang (SN 1983, ngụ tại chung cư Hạnh Phúc, huyện Bình Chánh) mua được một mảnh vườn 2400 m2 tại đường T5, ấp 5, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh. Tại mảnh vườn này chị sẽ trồn...

LSVNO - Chị Dương Thị Thu Trang (SN 1983, ngụ tại chung cư Hạnh Phúc, huyện Bình Chánh) mua được một mảnh vườn 2400 m2 tại đường T5, ấp 5, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh. Tại mảnh vườn này chị sẽ trồng cây ăn quả, rau sạch, đào ao nuôi cá, làm chòi canh bằng mái lá che mưa, che nắng khi về thăm vườn. Thế nhưng, các hoạt động trồng cây, làm vườn của chị bị cản trở vì cán bộ địa chính liên tục gây phiền hà, có dấu hiệu sách nhiễu.

Theo đơn thư tố cáo và cầu cứu của chị Dương Thị Thu Trang về việc chị đang bị anh Trương Hữu Hiệp - cán bộ công chức địa chính xã Hưng Long, huyện Bình Chánh cùng một số cán bộ của xã Hưng Long đang có hành vi sách nhiễu, gây phiền hà cho chị. Cụ thể, chính quyền xã Hưng Long đã ra quyết định cưỡng chế trái pháp luật căn chòi mái lá dựng trên đất của chị. Trong khi nhiều lần chị gửi đơn cứu xét để được giữ lại căn chòi mái lá của mình tới các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết.

Theo chị Trang cho hay, chị là chủ sử dụng 2 thửa đất liền kề số 62 và thửa số 702 thuộc tờ bản đồ số 33 (tài liệu BĐĐC) xã Hưng Long, huyện Bình Chánh và được cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số H02463/7013911 do UBND huyện Bình Chánh cấp ngày 02/4/2008 và GCNQSDĐ số CH03552 do UBND huyện Bình Chánh cấp ngày 19/5/2015. Được biết chị Trang mua 2 thửa đất này từ năm 2015 và 2016, đây là đất trồng cây ăn quả lâu năm với tổng diện tích 2 thửa đất liền kề 2400 m2. Trước khi mua đất chị cũng được biết đây là khu đất thuộc đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện Bình Chánh đến năm 2020. Tuy nhiên đồ án này vẫn là dự án treo gần 20 năm chưa thực hiện và những người dân nơi đây vẫn mua bán, trồng trọt, xây dựng bình thường trên đất”.

Thửa đất của chị lúc mua chị để hoang vì chưa có kinh phí để cải tạo nên cho người dân lân cận trồng rau. Thế nhưng từ tháng 3/2018, chị bắt đầu về sửa sang lại khu đất của mình, bắt tay vào rào chắn lại khu vườn thì từ thời điểm này anh Hiệp bắt đầu liên tục ghé qua để gây khó dễ cho chị.

Theo đó, trong 6 lần cải tạo khu vườn thì cả 6 lần anh Hiệp cùng một số cán bộ địa phương đến yêu cầu chị cung cấp các loại giấy tờ xây dựng.

Cán bộ địa chính Trương Hữu Hiệp liên tục "ghé thăm" mảnh vườn của chị Trang.

“Từ ngày 08/3/2018, tôi về mảnh vườn của mình thuê người đào cái ao nhỏ để thả ít con cá cảnh nuôi chơi, anh Hiệp, cán bộ địa chính xã và 3 người cũng là cán bộ xã về kiểm tra san lấp yêu cầu tôi cung cấp giấy phép san lấp và không cho tôi san lấp đào ao thả cá. Sau khi đôi co lời qua tiếng lại, anh Hiệp yêu cầu tôi cấp cung cấp giấy tờ chủ quyền sử dụng đất và bản vẽ quy hoạch khu vườn để kiểm tra. Sau khi tôi xuất trình đủ các loại giấy tờ liên quan đến khu vườn cho anh Hiệp thì anh Hiệp lại yêu cầu tôi phải trừa một khoảng đất ở khu vườn cách tường 2m đất với mục đích để cho nhà dân phía sau đi. Nếu không trừa khoảng đất trên thì sẽ dùng biện pháp không cho tôi san lấp. Thấy yêu cầu vô lý vì hộ dân phía sau nhà tôi đã có lối đi riêng mà cán bộ địa chính xã lại tới nhà tôi can thiệp, bắt tôi phải mở đường cho họ. Còn nếu hộ dân có mảnh đất nằm phía sau đất nhà tôi muốn mở thêm lối đi thì phải nói chuyện với tôi và phải mua bán với tôi chứ tại sao cán bộ địa chính lại yêu cầu tôi việc này, vì vậy tôi yêu cầu anh Hiệp lập biên bản yêu cầu trên và làm rõ vì sao không cho tôi san lấp khu đất của mình thì cán bộ Hiệp không lập biên bản và đi về”, chị Trang kể lại.

Căn chòi mái lá của chị Trang.

Thế nhưng sang ngày hôm sau (09/3), cán bộ Hiệp lại tiếp tục xuống vườn của chị thông báo nói là khu vực đất của chị đang trong tranh chấp. Chị Trang tiếp tục yêu cầu cán bộ địa chính lập biên bản nói rõ tranh chấp đất với hộ dân nào thì cán bộ địa chính không lập biên bản và không trả lời được đất của chị đang tranh chấp với ai nên lại ra về.

Để bảo vệ khu vườn của mình, đầu tháng 5 chị về làm hàng rào bằng tôn thì một lần nữa cán bộ Hiệp lại “ghé thăm”. Lần này cán bộ Hiệp yêu cầu chị cung cấp giấy phép làm hàng rào và bắt chị ngưng thi công công việc làm hàng rào tôn vì sai quy định của địa phương, buộc chị phải lên chính quyền xin giấy phép làm hàng rào tôn và yêu cầu tháo dỡ.

Sau đó, chị Trang đã đi tới UBND xã Hưng Long xin giấy phép xây dựng thì UBND xã yêu cầu chị lên Huyện xin giấy phép. Khi Chị lên UBND huyện Bình Chánh thì tại đây cán bộ tiếp dân trả lời chị huyện không có quy định nào cấm người dân làm hàng rào tôn để bảo vệ khu vườn của mình nên không cần phải xin giấy phép, vì vậy chị đã về làm hàng rào tôn cho đất của mình.

Sau nhiều lần về vườn trồng rau, trồng cây ăn trái và cho cá ăn chị Trang phải mượn nhờ nhà hàng xóm để nghỉ chân trú tạm khi mưa nắng. Nhận thấy nhu cầu thiết yếu và thực hiện mong ước của mình chị đã làm thêm căn chòi bằng tre nứa lá ở trên mặt ao để làm nơi trú chân mỗi lúc ghé thăm vườn và là nơi chứa phân tro, thức ăn cho cá. Ngày 02/9/2018, chị bắt đầu làm chòi. Khi chị đưa vật liệu làm chòi về vườn thì ngay lập tức có một đoàn cán bộ của UBND xã Hưng Long, bao gồm cán bộ Hiệp địa chính, các cán bộ đô thị và các anh công an xã đến yêu cầu chị cung cấp giấy phép xây dựng chòi mái lá.

Tuy nhiên chị trả lời: “Đây chỉ là công trình xây dựng tạm được phép theo Luật Đất đai hiện hành. Căn chòi nhỏ này chỉ làm bằng gỗ tre nưá từ các vật liệu thô sơ, không phải xây dựng kiên cố, nên không xin giấy phép xây dựng. Và căn chòi này chỉ có diện tích 3,2m*4,2m. Tuy đất của tôi nằm trong dự án treo nhưng nếu Nhà nước có quy hoạch dự án thì tôi cam kết sẽ không thắc mắc khiếu nại, đòi đền bù gì từ căn chòi trên”. Thế nhưng cán bộ địa chính vẫn yêu cầu chị phải xin giấy phép xây dựng và yêu cầu chị phải có bản vẽ được chính quyền phê duyệt mới được phép xây dựng hay trồng trọt trong mảnh vườn của chị.

Theo cán bộ xã Hưng Long, để được trồng cây trong khu vườn, chị Trang phải có sự chấp thuận của Hội đồng Nông dân xã Hưng Long và thời gian có bản vẽ đúng quy trình trên là phải mất 6 tháng. Nhận thấy đây là những yêu cầu vô lý từ cán bộ Hiệp, chị Trang yêu cầu lập biên bản những sai phạm thì lúc này cán bộ địa chính đưa ra 2 tờ giấy và lập 2 tờ biên bản nhưng không cho chị biết nội dung biên bản ghi về vấn đề gì và không cho chị có ý kiến về biên bản này. Chị cũng không ký tên trong biên bản trên.

Cảm thấy có quá nhiều lần bị cán bộ Hiệp gây khó khăn, trong khi nhiều hộ dân quanh khu vực đất nhà chị cũng thuộc quy hoạch dự án treo nhưng vẫn xây dựng nhà kiên cố, tường rào kiên cố, xây dựng nhà trọ kiên cố trên đất trồng lúa, cây cối mọc hoang và các loại cây ăn quả lâu năm vẫn tồn tại bình thường nhưng tại sao mỗi đất của chị liên tục bị cán bộ kiểm tra. Quá mệt mỏi chị đã tới gặp một người làm công ty “cò” nhà đất và được tư vấn nếu muốn giữ được căn chòi mái lá của mình chị phải chung chi cho cán bộ địa chính 40 triệu đông.

Chị Trang thiết nghĩ, căn chòi mái lá của chị xây dựng không phải công trình kiên cố, khung chòi làm bằng gỗ, tường ốp bằng tre nứa. Tổng chi phí xây dựng chòi chỉ hơn 16 triệu đồng, mà bây giờ để căn chòi không bị phá dỡ chị phải mất thêm 40 triệu nữa thì quá là vô lý.

Vây nên, ngày 04/9/2018, chị nhận được giấy quyết định xử phạt hành chính của UBND xã Hưng Long với mức phạt 750.000 đồng. Tuy nhiên việc xử phạt này chị không hiểu bị phạt do việc làm chòi hay do chị đào ao thả cá trong vườn của mình. Bị xử phạt chị Trang cũng chấp nhận đóng phạt.

Tuy nhiên, sau đó chị tiếp tục nhận được Quyết định số 92/QĐ – CCXP do ông Ngô Văn Nhân - Chủ tịch UBND xã Hưng Long ra ngày 19/9/2018 về việc buộc sẽ cưỡng chế, phá dỡ căn chòi mái lá của chị.

Cùng ngày ra Quyết định trên, cán bộ đô thị xuống bắt chị ký tên vào giấy cưỡng chế nhưng chị không đồng ý ký tên vì không biết rõ những sai phạm và quy định nào của pháp luật khi chị xây dựng căn chòi trong khu đất hợp pháp của chị. Qua bức xúc, chị Trang yêu cầu cung cấp biên bản sai phạm nhưng không được.

Tiếp đó, chị Trang xin được cấp nước sạch để sử dụng tưới nước cho rau nhưng không được chính quyền xã đồng ý. Xin được đấu nối điện vào khu vườn cũng không được cung cấp. Để phục vụ nhu cầu thiết yếu khi về khu vườn của mình nghỉ ngơi, chị Trang buộc phải tới nhà hàng xóm xin đấu nối điện và nước.

Sau nhiều lần gửi đơn cứu xét tới các cơ quan chức năng để được giữ lại căn chòi và cấp nước, cấp điện sinh hoạt để bơm tưới cho cây trồng trong vườn không được giải quyết. Ngày 23/11/2018, chị lại tiếp tục nhận được giấy thông báo về việc cất giữ tài sản có giá trị và di dời đồ vật ra khỏi công trình vi phạm sẽ thực hiện vào ngày 28/11. Thế nhưng chính quyền xã ra thông báo cho chị buộc chị phải nghỉ việc để chờ chính quyền tới thực hiện việc cưỡng chế căn chòi thì chính quyền xã lại không có người đến làm việc với chị.

Sau khi nhận được phản ánh của chị Trang, PV Luật sư Việt Nam Online đã tới UBND xã Hưng Long để trao đổi với lãnh đạo. Tuy nhiên, cán bộ tiếp dân tiếp nhận văn bản liên hệ tác nghiệp của phóng viên và cho biết các lãnh đạo đều đi họp trên UBND huyện nên chưa có người trả lời.

Kim Chi