Đất nghĩa trang dọc tuyến đê Cửa Hiền đã bán đấu giá hết.
Theo phản ánh của người dân xã Nghi Yên, Huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, tình trạng sai phạm về đất đai trên địa bàn xã diễn ra trong suốt thời gian dài nhưng chưa được xử lý gây bức xúc trong dư luận.
Ông Cao Văn Tuệ, Xóm trưởng xóm Bắc Sơn cho biết, thời điểm ông Nguyễn Đình Long làm Chủ tịch xã có chủ trương cho dân mượn đất xây dựng ki ốt để kinh doanh, mỗi hộ chiều dài 10m, chiều rộng 5m. Tuy nhiên đến nay, nhiều hộ dân đã xây dựng kiên cố. Cụ thể, ở chợ Cây Đa, hộ ông Cao Ngọc Niêm đã lấn chiếm diện tích nhiều gấp nhiều lần so với diện tích trước đây xã cho mượn. Hộ ông Hoàng Xuân Khôi mua thêm diện tích ốt ông Đậu Xuân Liên ở một bên, đã xây dựng kiên cố làm chỗ sửa chữa xe máy. Hộ ông Đậu Xuân Tường lấn chiếm phía sau diện tích khá lớn. Hộ ông Nguyễn Văn Lập cho cháu xây dựng làm ốt cắt tóc.
Năm 1996, trạm xá xã chuyển đi nơi khác, để lại diện tích khá lớn. Năm 1998, xã cấp cho ông Đậu Xuân Chương làm nhà ở. Một số diện tích khác xã cho ông Chương thực hiện Dự án 4304 trồng cây. Sau một thời gian, ông Chương bán số diện tích này cho ông Đỗ Xuân Chiến, Nguyễn Văn Kính, Hoàng Văn Tịnh làm nhà ở, xây dựng nhà để sản xuất kinh doanh. Theo phản ánh của người dân, đất ông Chương xây dựng nhà ở đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo ông Cao Văn Tuệ, sai phạm này là do cán bộ xã các thời kỳ quản lý đất đai trên địa bàn không tốt, làm thất thoát ngân sách, đất đai của nhà nước. Cán bộ và người dân bức xúc. Trong các cuộc họp ở xã, cán bộ đã nhiều lần đề nghị UBND xã nên kiên quyết xử lý, giải quyết dứt điểm, không để tình trạng này kéo dài.
Người dân cũng phản ánh rằng, ở xóm Trung Sơn nhiều hộ mượn đất nay đã xây dựng kiên cố để kinh doanh. Điển hình như ông Nguyễn Thế Hệ, nguyên Chủ tịch UBND xã mượn đất nay cho con gái là Nguyễn Thị Vinh xây dựng kiên cố làm ốt kinh doanh. Hộ bà Nguyễn Thị Phiết cho con trai là anh Nguyễn Văn Sơn xây dựng ốt kinh doanh. Hộ anh Nguyễn Đình Hải xây dựng ốt để sửa chữa xe máy. Hộ ông Nguyễn Văn Lý xây dựng ốt bán hàng tạp hóa. Hộ bà Nguyễn Thị Lan xây dựng ốt bán thuốc Tây.
Bên cạnh đó, ông Phan Đình Chiến, xóm trưởng xóm Đông Sơn cho biết không biết xã bán đất nghĩa trang dọc tuyến đê Cửa Hiền khi nào. Khi thấy người dân nơi khác đến yêu cầu dời mồ mả để họ lấy đất mới biết xã đã bán. Đồng thời, ông này cũng đặt ra câu hỏi không hiểu tại sao xã lại bán đất nghĩa trang mà người dân chôn cất mồ mả ông bà tổ tiên đã nhiều đời và không hề có thông báo.
Làm việc với ông Đậu Xuân Luân, Chỉ tịch UBND xã Nghi Yên, ông này công nhận những vụ việc dân cung cấp cho báo chí là có, xã cũng đã nắm được. Nghi Yên một xã mới cắt được xã nghèo vài năm nay. Xã muốn thu hồi số diện tích trước đây cho dân mượn để kinh doanh, nhưng còn nhiều cái khó. Mặt khác trước đây UBND xã có chủ trương cho dân mượn đất làm ốt kinh doanh không quy định thời gian bao nhiêu, kiểu cách xây dựng. Người dân xây dựng cũng không có cấp nào quản lý.
Khi được đề nghị cho biết nguyên nhân đất trạm xá cũ là đất công chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, sau khi có Luật Đất đai năm 1993 mà UBND xã vẫn cấp đất ở cho dân và đất Dự án 4304 UBND xã để dân bán cho nhiều hộ xây dựng nhà ở, ông Đậu Xuân Luân trả lời rằng ông mới làm Chủ tịch được vài năm việc này chưa nắm được cụ thể. Việc xã bán đất nghĩa trang dọc tuyến đê Cửa Hiền là có nhưng ông không nhớ rõ năm nào, vì lúc đó chưa làm cán bộ. Huyện và xã tổ chức đấu giá 10 suất đất nghĩa trang dọc tuyến đê Cửa Hiền, mỗi suất 400 m2. Ông cho cán bộ chuyên môn lục hồ sơ cung cấp cho PV một bản sơ đồ phân lô khu đất này lập vào năm 2001. Còn Quyết định cho đấu giá khu đất này xã tìm không được.
Do đó, đề nghị UBND xã Nghi Yên làm rõ việc sai phạm đất đai ở địa phương kéo dài nhiều năm vẫn chưa được giải quyết. Sai phạm này là do cán bộ qua các thời kỳ buông lỏng công tác quản lý, nên xã phải khẩn trương xử lý thấu tình, đạt lý.
HOÀNG VŨ
Sẽ thanh tra các công ty chứng khoán, kiểm toán có nhiều sai sót