/ Đời sống - Xã hội
/ Huyện Sóc Sơn: Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân

Huyện Sóc Sơn: Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân

05/01/2021 18:05 |

(LSO) - Những năm qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng dưới sự lãnh, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội. Sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Nông thôn mới của huyện Sóc Sơn tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực, các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đều đạt và vượt so với kế hoạch.

Đồng chí Phạm Văn Minh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ Công ty Cổ phần Viglacera Xuân Hòa.

Qua đó, kinh tế các năm liên tục phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 10,39%/năm, vượt chỉ tiêu đặt ra là 9,0-9,5%/năm, trong đó: ngành Dịch vụ tăng 12,81%, Công nghiệp - xây dựng tăng 10,95%, Nông, lâm, thủy sản tăng 2,66%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp (53,29% - 37,94% - 8,77%), dự kiến hết năm 2020 cơ bản đạt chỉ tiêu cơ cấu (51% - 41% - 8%), trong đó, tỷ trọng ngành dịch vụ tăng trưởng mạnh, giảm tỷ trọng Công nghiệp, nông nghiệp.

Thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được nâng lên rõ rệt, dự kiến hết 2020 đạt 52 triệu đồng/người/năm (chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 50 triệu đồng), hiện tại huyện không còn nhà dột nát, hư hỏng; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 99%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 88,22%; tỷ lệ hỏa táng tăng từ 31,7% năm 2015 lên 60,9% năm 2019.

Huyện Sóc Sơn đã thực hiện hàng loạt giải pháp, các chính sách khuyến khích về đầu tư, khởi nghiệp. Từ đó tạo động lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có bước phát triển mạnh, trong 04 năm 2015 - 2019 đã có 1.452 doanh nghiệp, 9.312 hộ kinh doanh, 63 hợp tác xã được thành lập mới, tổng số hiện có 2.226 doanh nghiệp, 218 hợp tác xã và 17.050 hộ kinh doanh đang hoạt động, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn.

Hạ tầng công nghiệp tiếp tục được phát triển, huyện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng cụm Công nghiệp 3, mở rộng nhà máy Z117, tiếp tục triển khai các thủ tục đầu tư cụm Công nghiệp 2.

Các ngành dịch vụ có mức tăng trưởng cao và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, thu hút nhiều lao động, việc làm. Nhiều dự án dịch vụ được triển khai như: sân golf quốc tế Legend Hill, khu 3 đền Sóc, khu du lịch Thung lũng xanh, Dự án Tổ hợp khu giải trí đa năng, Trường đua ngựa…một số dự án đang hoàn thành quy hoạch, chuẩn bị đầu tư như dự án trường quay ngoài trời Đài truyền hình Việt Nam. Một số sản phẩm du lịch phát triển, lượng khách bình quân đạt 750 ngàn lượt/năm tăng hơn 500 ngàn lượt người so với năm 2015. Các ngành dịch vụ như viễn thông, ngân hàng, thương mại, vận tải, điện lực… tăng trưởng mạnh mẽ, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống nhân dân.

Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, trung bình 2,66%/năm, các chỉ tiêu cơ bản được hoàn thành, góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hoá, sinh thái theo hướng áp dụng công nghệ cao từng bước được hình thành, phát triển cả về quy mô và chủng loại sản phẩm, huyện đã có 15 mô hình nấm, hoa, rau quả, dược liệu…hình thành thêm 9 chuỗi liên kết, 02 nhãn hiệu tập thể trong sản xuất, 27 sản phẩm được xếp hạng OCOP 4 sao, trên 100 sản phẩm nông sản được đăng ký truy xuất nguồn gốc QRcode. Hình thành thêm 32 vùng sản xuất, hoàn thành việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, chuyển đổi trên 200ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn.

Công tác thu, chi ngân sách hàng năm đạt và vượt dự toán Thành phố Hà Nội giao, năm sau thu cao hơn năm trước, tăng bình quân 23% chỉ tiêu thu hàng năm. Tổng chi ngân sách huyện trung bình đạt 2.122 tỉ đồng/năm, so với năm 2015 tăng 418 tỉ đồng, tương đương 25%. Đảm bảo đáp ứng kinh phí cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Công tác điều hành, chi tiêu ngân sách của huyện Sóc Sơn luôn đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, theo đúng dự toán được giao và các chế độ, chính sách của Nhà nước.

Trụ sở làm việc của Đảng ủy – HĐND – UBND các xã, thị trấn huyện Sóc Sơn được đầu tư xây dựng khang trang hiện đại, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, công dân đến giao dịch

Công tác xây dựng Nông thôn mới được tập trung chỉ đạo, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao. Huyện đã tập trung triển khai và thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" trên địa bàn. Huyện đã hoàn thành thêm 72 tiêu chí nông thôn mới, 25/25 xã được công nhận xã Nông thôn mới. Hoàn thành cơ bản 9/9 tiêu chí xây dựng huyện Nông thôn mới, tiếp tục triển khai thực hiện xã Nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm, đầu tư, chỉ đạo quyết liệt và đạt kết quả tốt. Trồng, nâng cấp và làm giàu rừng được 145,8 ha. Các vụ cháy rừng đều được phát hiện, xử lý kịp thời, không có thiệt hại lớn. Rừng Sóc Sơn phát huy tốt chức năng phòng hộ, tạo cảnh quan sinh thái và bảo vệ môi trường cho Thủ đô và huyện Sóc Sơn.

Để có được thành tựu phát triển kinh tế xã hội và xây dựng Nông thôn mới như trên, những năm qua, huyện Sóc Sơn đã tập trung thực hiện khâu đột phá về đầu tư phát triển hạ tầng, và đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Theo đó, tổng nguồn vốn đầu tư công đạt 3.134 tỷ đồng, chiếm hơn 33% tổng chi ngân sách, tăng 2,71 lần giai đoạn 2011-2015, huyện tập trung vào các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, giao thông…phục vụ xây dựng nông thôn mới cho các xã, trong 4 năm 2015 - 2019 huyện Sóc Sơn triển khai 284 dự án cải tạo, nâng cấp, xây mới 52 trường học, 25 trạm y tế, 57 nhà văn hóa; 794 km đường giao thông; 264,2 km rãnh thoát nước…vốn ngân sách Thành phố hỗ trợ đạt 1.043 tỉ đồng, bằng 146,9% giai đoạn 2011-2015, tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã vùng ảnh hưởng môi trường của khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn với 761,5 tỉ đồng - không kể kinh phí giải phóng mặt bằng, di dân vùng ảnh hưởng 0-500m.

Nhiều tuyến giao thông quan trọng đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thành chuẩn bị thủ tục như: tuyến đường 131- đường 35 - Minh trí, đường Núi Đôi - Bắc Phú, đường nối Võ Nguyên Giáp - đô thị vệ tinh, đường Bắc Phú - Tân Hưng - cầu sang Hiệp Hòa….ngoài ra, huyện Sóc Sơn đã chủ động khai thác và sử dụng hơn 300 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư phát triển Thành phố để đầu tư xây dựng hạ tầng các khu đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách huyện (Năm 2016 vay được 37,1 tỉ đồng, năm 2017 vay được 72,93 tỉ đồng, năm 2018 vay được 115,7 tỉ đồng, năm 2019 vay được 81 tỉ đồng).

Các hoạt động thu hút, xã hội hóa đầu tư được quan tâm, chỉ đạo. Hoàn thành rà soát, đề xuất 21 danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất, 05 danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện đề nghị thành phố xúc tiến đầu tư. Giới thiệu địa điểm đầu tư cho 39 dự án mới, đã có 04 nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư như: bãi đỗ xe trung tâm thị trấn Sóc Sơn, Khu du lịch, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng Thung lũng xanh và Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa, Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Dự án Trường quay ngoài trời Đài truyền hình Việt Nam được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với quy mô lập quy hoạch khoảng 66ha.

Đặc biệt đã thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án lớn như: Nhà máy điện rác Sóc Sơn quy mô 17.28 ha; xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt công suất 4.000 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 75MW; các công trình phụ trợ và công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với tổng vốn đầu tư 7.169.084.981.000 đồng, Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng Trường đua ngựa quy mô 125ha gồm các hạng mục: trường đua ngựa, khách sạn, tổ hợp trung tâm thương mại và hội nghị, khu biệt thự cho thuê, hồ điều hòa; tổng vốn đầu tư: 9.576.000.000.000 đồng).

Huyện đã đẩy mạnh công bố công khai danh mục kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn, trong đó đã có nhà đầu tư quan tâm để thực hiện các dự án Cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu, quy mô khoảng 20ha, cụm công nghiệp đa ngàng nghề công nghiệp 2 xã Mai Đình, quy mô khoảng 63,2ha. Hiện nay, đang tiếp tục tiến hành triển khai các thủ tục thu hút các nhà đầu tư và báo cáo thành phố thành lập các cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó. việc triển khai thực hiện Đề án số 05-ĐA/HU ngày 12/4/2016 của Huyện ủy Sóc Sơn về “Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư, phát triển Giáo dục, Y tế, Văn hóa, Thể dục Thể thao giai đoạn 2016-2020” đã đạt những kết quả tích cực, huy động 89,68 tỉ đồng nguồn vốn tài trợ nâng cấp 04 nhà văn hóa và 04 trường học, có thêm 4 trường dân lập, 50 cơ sở mầm non tư thục được cấp phép hoạt động, có thêm 20 cơ sở hành nghề y dược tư nhân, huy động được 129.657 triệu đồng tu bổ tôn tạo 18 di tích xếp hạng và hàng chục tỉ đồng xây dựng các bể bơi, sân thi đấu, luyện tập thể thao. Phong trào thể thao quần chúng phát triển mạnh, đóng góp cho Thành phố và Quốc gia nhiều vận động viên đạt nhiều giải thể thao thành tích cao tầm Quốc tế và Khu vực.

Huyện Sóc Sơn đang tiếp tục triển khai các thủ tục thu hút nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, tài nguyên và môi trường, giải phóng mặt bằng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và có một số chuyển biến tích cực. Tập trung thực hiện quy hoạch chung xây dựng huyện 1/10.000, quy hoạch đô thị vệ tinh. Phối hợp lập quy hoạch 6/8 phân khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn. Hoàn thành rà soát, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng 24/24 xã, quy hoạch chi tiết xây dựng các trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn. Quan tâm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đô thị, phát triển các khu đô thị mới, kết hợp với chỉnh trang đô thị. Chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đấu giá quyền sử dụng đất.

Hoàn thành 100% đăng ký đất đai đối với đất ở, cấp 95,3% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở 96,1%, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa. Kiểm tra, xử lý 72,2% trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi khai thác đất, cát sỏi trái phép; tăng cường kiểm tra, thực hiện chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất công; tổ chức đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ quản lý các loại đất, đặc biệt là đất lâm nghiệp.

Kiểm soát việc xả nước thải của các đơn vị trong Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, các khu công nghiệp; hỗ trợ người dân trong phạm vi ảnh hưởng môi trường bãi rác được đảm bảo; tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính cơ sở có hoạt động sản xuất kinh doanh vi phạm; cải tạo, nâng cấp hơn 264,2km hệ thống thoát nước dân sinh trên địa bàn các xã; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt đạt 100% trên địa bàn thị trấn Sóc Sơn, đạt 95% tại địa bàn các xã (đạt chỉ tiêu Đại hội đề ra), hoàn thành các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới đối với các xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

PHÚ HÀ