Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva. Ảnh: AFP/TTXVN.
Tại Đông Nam Á, phát biểu tại Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ-Thái Bình Dương (AIPF) tại Jakarta (Indonesia) ngày 5/9, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết các nước ASEAN chịu ảnh hưởng nhiều mặt do tác động của đại dịch Covid-19, gây ra hậu quả đáng kể về kinh tế, đồng thời đặt ra những thách thức mà ASEAN đang phải đối mặt.
Trước đại dịch Covid-19, ASEAN được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của khối đã giảm 50% kể từ khi đại dịch bùng phát. Bên cạnh đó, ASEAN cũng chịu ảnh hưởng do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc gián đoạn chuỗi cung ứng đã gây áp lực lớn hơn đối với hầu hết các nền kinh tế tiên tiến và thị trường mới nổi, trong đó có các nước thành viên ASEAN, dẫn đến khủng hoảng và lạm phát. Bên cạnh đó, Tổng giám đốc IMF cho rằng lãi suất có thể duy trì ở mức cao cho đến năm 2024, thậm chí là kéo dài đến năm 2025, có thể gây ra những hệ lụy cho ASEAN.
Trước tình hình trên, bà Georgieva nhấn mạnh ASEAN cần tiếp tục phát triển năng động để tồn tại trước những thách thức kinh tế toàn cầu hiện nay. Cụ thể, bà đưa ra khuyến nghị gồm 3 bước chính để ASEAN duy trì "tăng trưởng mạnh mẽ". Thứ nhất, các nước thành viên ASEAN cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính để đảm bảo niềm tin cho người tiêu dùng và nhà đầu tư. Thứ hai, chính phủ các nước ASEAN nên đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và đào tạo kỹ năng. Ngoài ra, ASEAN cần đầu tư vào kết nối kỹ thuật số và nền kinh tế xanh.
AIPF được tổ chức tại Jakarta song song với Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị cấp cao liên quan. Trong khuôn khổ AIPF đã diễn ra các buổi diễn thuyết của các nhà lãnh đạo, thảo luận nhóm và chương trình trao đổi với các lãnh đạo chuyên ngành, giới thiệu dự án và kết nối kinh doanh.
Diễn đàn cũng đóng vai trò là nền tảng để các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác, chủ yếu từ khu vực công và tư nhân, tham gia các cuộc thảo luận mang tính xây dựng, xác định các dự án tiềm năng và thúc đẩy hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. AIPF năm nay tập trung vào 3 chương trình nghị sự chính, gồm cơ sở hạ tầng xanh và chuỗi cung ứng linh hoạt, chuyển đổi kỹ thuật số và nền kinh tế sáng tạo, cũng như tài chính bền vững và đổi mới.
AIPF lần đầu được tổ chức nhằm triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) được thông qua vào năm 2019, trong đó chuyển trọng tâm từ hợp tác an ninh trước đây sang hợp tác cụ thể về kinh tế.
HỮU CHIẾN/TTXVN
Tòa án Ukraine ra phán quyết tạm giam doanh nhân Ihor Kolomoisky