Đồng peso của Argentina tại một ngân hàng ở Buenos Aires. Ảnh: Reuters/TTXVN.
Thông báo của IMF cho biết thỏa thuận sẽ được trình lên Ban điều hành IMF xem xét “trong những tuần tới” và nếu được phê chuẩn, thỏa thuận này sẽ cho phép Chính phủ Argentina được nhận khoản giải ngân 4,7 tỉ USD.
Argentina đang vất vả kiềm chế lạm phát vốn đã tăng lên mức 200% và dự trữ ngoại tệ đang rơi vào vùng âm, nên rất cần có được thỏa thuận cho vay với IMF. Chính phủ mới của Tổng thống Javier Milei đã đàm phán với các quan chức IMF từ cuối tuần trước, nhằm đạt thỏa thuận về bản đánh giá thứ 7 của chương trình này và được giải ngân khoảng 3,3 tỉ USD đang rất cần để thanh toán nợ.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Milei, người theo đường lối cực hữu thuộc đảng Tự do tiến lên (LLA), tuyên bố nếu thắng cử sẽ đô la hóa nền kinh tế; tư nhân hóa Tập đoàn năng lượng quốc gia YPF, hãng hàng không Aerolíneas Argentinas, cũng như các công ty cấp thoát nước, viễn thông, đường sắt thuộc sở hữu nhà nước; cắt giảm 20 tỉ USD thâm hụt ngân sách nhà nước; thả nổi giá điện, thực phẩm và dịch vụ y tế; cắt giảm 5.000 lao động thuộc khu vực nhà nước và hợp pháp hóa việc sử dụng tiền điện tử.
Tuy nhiên, ngày 10/01, Chủ tịch Chiến lược Thị trường và Đầu tư Ngân hàng JP Morgan, ông Michael Cembalest cảnh báo phương án đôla hóa nền kinh tế của tân Tổng thống Javier Milei, “sẽ thất bại”. Ông Cembalest cho rằng mô hình kinh tế tự do mà Tổng thống Milei theo đuổi chỉ khả thi ở những quốc gia có những điều kiện nhất định, điều mà "Argentina không có”.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, trong báo cáo về tình hình thị trường tài chính, ông Cembalest cho rằng Chính phủ của Tổng thống Milei, chiếm thiểu số ở Quốc hội, cần tới 2/3 số phiếu ủng hộ “để thông qua những cải cách cần thiết cho khả năng chuyển đổi để sử dụng đồng USD trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, để thực hiện được kế hoạch này, Argentina cần có nguồn "dự trữ ngoại hối đáng kể và với mức lãi suất tiết kiệm cao hơn rất nhiều".
Hơn nữa, khả năng chuyển đổi sang loại tiền tệ khác thường chỉ khả thi ở những nơi có sự kết hợp của nhiều yếu tố như hiệu suất hoạt động của nền kinh tế ở mức cao, tính linh hoạt và tính năng động trong kinh doanh cho phép nền kinh tế đó đương đầu và đứng vững với các cú sốc của thị trường nội địa và thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ và ủng hộ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu (EC), đồng thời cần có một nguồn dự trữ ngoại hối được đảm bảo và được bảo vệ bằng một nguồn nguyên liệu và hàng hóa dồi dào để bảo vệ tỷ giá tiền tệ khi cần thiết.
Báo cáo của ông Cembalest cũng đưa ra các chỉ số "thể chế, tính linh hoạt của thị trường lao động, quyền tự do và tính năng động trong kinh doanh", liên quan đến một trong những khía cạnh và điều kiện khi đánh giá tình trạng đô la hóa nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh.
Cùng ngày, tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody's tuyên bố xếp hạng trái phiếu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Argentina (YPF) vào khung rủi ro cao nhất trong dài hạn. Động thái của Moody’s được đưa ra hai tuần sau khi Chính phủ Argentina công bố ý định tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước này.
Cụ thể, Moody’s xếp hạng tín nhiệm YPF ở mức Caa3, nghĩa là chất lượng tín dụng kém và khả năng vỡ nợ cao. Moody's cho biết mức xếp hạng tín nhiệm này phản ánh mối tương quan hiện nay giữa YPF và Chính phủ Argentina, trong đó khả năng thanh toán của doanh nghiệp này không thể tách rời hoàn toàn khỏi chất lượng tín dụng của chính phủ.
Trong khi đó, Moody's đánh giá trái phiếu chính phủ của Argentina có mức rủi ro thậm chí còn cao hơn nhiều so với YPF, ở mức Ca - mức xếp hạng được cho là gần vỡ nợ.
Theo Moody's, những thách thức chính mà YPF phải đối mặt là rủi ro tiền tệ vì phần lớn nợ của tập đoàn này là bằng ngoại tệ, cùng với đó là hàng loạt vấn đề liên quan đến tái cấp vốn và chi phí lao động. Trong tương lai gần, cơ quan xếp hạng cho rằng trái phiếu của YPF có thể tăng hạng nếu chất lượng tín dụng tại Argentina được cải thiện hoặc nếu tập đoàn này có thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh ra bên ngoài.
Ngược lại, xếp hạng của YPF có thể bị hạ cấp nếu tình hình thanh khoản suy giảm và mất khả năng tiếp cận thị trường nợ, hoặc nếu xếp hạng nợ của Chính phủ Argentina bị hạ cấp.
Chính phủ Argentina chính thức quốc hữu hóa YPF sau khi mua lại 51% cổ phần của doanh nghiệp này từ Tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha. Trái phiếu của YPF được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ) từ năm 1993.
PV/TTXVN