(LSVN) - Tại Bangkok, nhà chức trách Thái Lan đã ban bố cảnh báo lũ lụt tại 5 tỉnh Đông Bắc Thái Lan, nơi nước sông Mekong dâng cao có thể vỡ bờ.
Ngập lụt do ảnh hưởng của bão Yagi ở tỉnh Chiang Rai, Thái Lan ngày 12/9/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN.
Cơ quan Tài nguyên Nước Quốc gia của Thái Lan ngày 17/9 cho biết một lượng nước lũ khổng lồ đang chảy xuống hạ lưu và có thể gây lũ lụt trong tuần này ở các tỉnh Bung Kan, Nakhon Phanom, Mukdahan, Amnart Charoen và Ubon Ratchathani.
Nhiều nơi ở tỉnh Nong Khai, Đông Bắc Thái Lan, đã bị ngập lụt do sông Mekong dâng cao. Khu vực thị trấn ở huyện Muang là một trong những nơi bị ngập lụt nặng nề nhất, khiến mọi hoạt động kinh doanh bị đình trệ trong vài ngày qua.
Tại tỉnh Nakhon Phanom, mực nước sông Mekong đang tiếp tục dâng cao. Người dân và những người bán hàng rong dọc bờ sông Mekong đã được khuyến cáo di chuyển đến vùng đất cao hơn và sân vận động Nakhon Phanom đã được chuẩn bị để sử dụng làm nơi trú ẩn tạm thời nếu cần.
Cùng ngày 17/9, Cục Khí tượng Thái Lan cảnh báo mưa lớn có thể xảy ra trên khắp đất nước, với gió mạnh và thủy triều dâng cao dọc theo bờ biển Andaman và thượng nguồn Vịnh Thái Lan cho đến ngày 29/9. Cơ quan này cho biết đang theo dõi một hệ thống áp thấp ở phía Đông Philippines có thể mạnh lên và phát triển thành bão nhiệt đới trước khi đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam vào ngày 20/9.
Theo Cục Phòng chống và Giảm nhẹ Thiên tai, lũ lụt theo mùa kể từ giữa tháng 8 đến nay đã khiến 22 người thiệt mạng tại Thái Lan, trong đó có 12 người ở tỉnh Chiang Rai.
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa đang đàm phán với chính quyền Myanmar để tìm giải pháp chung nhằm giảm thiểu tình trạng lũ lụt trong khu vực. Theo ông, hai quốc gia láng giềng sẽ tìm cách mở rộng diện tích lưu vực để giảm bớt lũ lụt. Bộ trưởng lưu ý Myanmar đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt lớn do bão và nước chảy từ vùng cao xuống sông Salween.
Ngoại trưởng Thái Lan cho rằng tình hình lũ lụt hiện nay đang ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia dọc sông Mekong, lưu ý thị trấn biên giới Tachileik của Myanmar đã hứng chịu trận lũ lụt thảm khốc nhất trong 30 năm qua.
Thực tế là các tòa nhà được xây dựng ở cả hai bên bờ sông, ở cả Thái Lan và Myanmar, đã khiến đường thủy bị thu hẹp và cạn kiệt, đồng thời làm trầm trọng thêm vấn đề thoát nước. Để ngăn chặn lũ lụt về lâu dài, ông Maris cho biết đang chuẩn bị đề xuất tăng cường hợp tác trong quản lý nước thông qua khuôn khổ Hợp tác Mekong - Lan Thương.
Theo TTXVN