VCCI: Luật Doanh nghiệp vẫn còn một số quy định bất cập cần sửa đổi

18/09/2024 05:47 | 2 tuần trước

(LSVN) - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, qua quá trình lấy ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội về Luật Doanh nghiệp 2020, đã có 34 vướng mắc, bất cập được chỉ ra trong Luật Doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Tạo thuận lợi hơn khi đăng ký doanh nghiệp

Theo VCCI, điển hình về đăng ký doanh nghiệp, điểm e khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp quy định “Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh”.

VCCI cho rằng, quy định này là chưa đủ rõ ràng về các trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp và có thể gây khó khăn cho người đăng ký thành lập khi trao quyền quyết định cho cơ quan thực thi.

Mặt khác, hiện nay hệ thống thông tin cơ quan nhà nước có thể chia sẻ cho nhau, các thông tin về lý lịch tư pháp cần thiết kế để cơ quan nhà nước có thể truy cập và xem xét, không cần thiết phải yêu cầu người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải cung cấp.

Do đó, để tạo thuận lợi về thủ tục, VCCI đề nghị bỏ nội dung này tại điểm e khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, VCCI kiến nghị quy định rõ về hiệu lực và thời điểm được xem là có sự thay đổi của các nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Bởi theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Doanh nghiệp “Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi”. Luật Doanh nghiệp không quy định rõ về ngày có hiệu lực của những thay đổi này: là ngày ban hành các quyết định của doanh nghiệp? Ngày ghi nhận sự thay đổi trong các quyết định của doanh nghiệp hay là ngày cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp?

Theo VCCI, trên thực tế, ngày cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đang được xem là ngày những thay đổi này có hiệu lực để đảm bảo công khai thông tin và bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba (mặc dù không có quy định rõ ràng nào về vấn đề này). Tuy nhiên, thực tế xảy ra trường hợp đang gây lúng túng trong quá trình thực hiện khi không xác định được ngày có hiệu lực của những thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Cụ thể, về trường hợp thay đổi người đại diện theo pháp luật: Doanh nghiệp ban hành quyết định hoặc nghị quyết thay đổi người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo pháp luật sẽ đảm nhiệm kể từ một ngày cụ thể nào đó (ví dụ: ngày 01/3/2024 doanh nghiệp ban hành nghị quyết/quyết định trong đó thay đổi người đại diện theo pháp luật. Người đại diện theo pháp luật mới sẽ đảm nhiệm từ ngày 01/4/2024). Ngày 11/3/2024, doanh nghiệp tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật và ngày 14/3/2024 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, với các mốc thời gian trên thì thời gian có hiệu lực của việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là ngày 01/4/2024 – ngày ghi trong nghị quyết/quyết định của doanh nghiệp hay là ngày 14/3/2024 – ngày cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp?

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi. Vậy “ngày có thay đổi” ở đây được xem là ngày ban hành quyết định/nghị quyết (ngày 01/3/2024) hay là ngày người đại diện theo pháp luật bắt đầu đảm nhiệm chức vụ theo quyết định (ngày 01/4/2024)?

Nếu xem ngày cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là ngày có hiệu lực của sự thay đổi thì nội dung về ngày bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật trong quyết định/nghị quyết của doanh nghiệp là không có ý nghĩa và doanh nghiệp không thực hiện được quyền của mình trong việc lựa chọn và quyết định ngày thay đổi người đại diện theo pháp luật. Còn nếu xác định là ngày ghi trong quyết định/nghị quyết của doanh nghiệp thì cần phải quy định rõ ngày nào được cho là ngày có thay đổi các nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Chưa thống nhất về thời hạn tạm ngừng kinh doanh

Khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp quy định, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

Nghị định 01/2021/NĐ-CP hướng dẫn thời hạn tạm ngừng kinh doanh là 12 tháng, sau thời hạn này doanh nghiệp nếu tiếp tục tạm ngừng sẽ thực hiện thủ tục thông báo tạm ngừng. Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn không giới hạn số lần tạm ngừng kinh doanh, như vậy, về mặt thực tế, thời gian tạm ngừng kinh doanh theo pháp luật doanh nghiệp là lớn hơn 12 tháng.

Điều 47 Luật Đầu tư 2020 và Điều 56 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định nhà đầu tư ngừng hoạt động dự án đầu tư, tổng thời hạn tạm ngừng không quá 12 tháng.

Như vậy, nếu nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư là doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp muốn tạm ngừng dự án đầu tư đồng thời tạm ngừng kinh doanh, thì giữa quy định tại pháp luật Doanh nghiệp và pháp luật đầu tư đang chưa thống nhất về thời hạn tạm ngừng. Doanh nghiệp thực hiện dự án có thể ngừng kinh doanh quá 12 tháng, nhưng dự án đầu tư thì chỉ được ngừng không quá 12 tháng.

Do đó, doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh trường hợp tạm ngừng kinh doanh đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp tạm ngừng dự án đầu tư để đảm bảo tương thích về thời hạn giữa hai hệ thống pháp luật đầu tư và doanh nghiệp.

Ngoài ra là bất cập về việc ghi nhận thông tin của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại cả Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; chưa có cơ chế chịu trách nhiệm của HĐTV trong Công ty TNHH 01 thành viên; chưa có quy định về thẩm quyền ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp có cùng người đại diện theo pháp luật; quy định chưa rõ ràng về thời điểm “hoàn thành việc sáp nhập doanh nghiệp” và thời điểm công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp và chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập… đòi hỏi cần được bổ sung, sửa đổi.

NGUYÊN TRẦN

Xử lý nghiêm cán bộ lực lượng vũ trang vi phạm quy định về nồng độ cồn