Năm 1927, nữ vũ công lừng danh Josephine Baker kiếm được nhiều tiền hơn bất kỳ nghệ sĩ giải trí nào khác ở Châu Âu. Cô vừa tròn 20 tuổi khi biểu diễn trong chương trình tạp kỹ Revue Negre nổi tiếng thế giới ở Paris, Madrid và Berlin. Các nghệ sĩ, diễn viên và nhà văn - bao gồm Pablo Picasso, Ernest Hemingway, Le Corbusier, Jean Gabin và Max Reinhardt - đã bị cô mê hoặc. Có thông tin rằng, Josephine Baker đã nhận được hơn 1.500 lời cầu hôn.
Nhà văn và đạo diễn người Pháp Jean Cocteau đã say sưa và hào hứng kể và gọi Freda Josephine McDonald, được sinh ra bởi một bà mẹ người Mỹ vào năm 1906 tại khu ổ chuột ở St. Louis, Missouri, là “thần tượng đẹp của thép nâu, sắt và vàng”. Josephine Baker là một đứa con ngoài giá thú thời đó. Cha cô - một nhạc sĩ gốc Do Thái, rời bỏ gia đình khi cô còn nhỏ.
Bạo loạn vì sắc tộc tại quê nhà
Để giúp đỡ gia đình, Josephine đã làm giúp việc cho một gia đình da trắng giàu có khi còn rất bé. Năm lên 11 tuổi, cô đã chứng kiến cuộc bạo loạn chủng tộc ở quê hương mình, trong đó đám đông da trắng giết chết gần 100 người Mỹ gốc Phi - điều sau đó đã ảnh hưởng đến công việc và hoạt động của cô với tư cách là một nhà hoạt động vì dân quyền. Baker đã kết hôn bốn lần, lần đầu tiên khi cô 13 tuổi; cô kết hôn lần nữa vào hai năm sau - một cuộc hôn nhân ngắn ngủi khác. Nhưng cuối cùng cô vẫn giữ họ của người chồng thứ hai, Baker.
Cô thiếu niên hiếu động Josephine làm trợ lý cho một đoàn tạp kỹ, giúp mặc quần áo cho các thành viên của đoàn. Khi một vũ công bị ốm, cô đã nắm bắt và tận dụng cơ hội cho mình - biểu diễn trên sân khấu cùng đoàn kịch. Cô bé đầy tham vọng và ngoan cường ở tuổi 16 Josephine đã nhảy như một vũ công trong một vở nhạc kịch Da đen, tiếp theo - vào năm 1922 bằng sự xuất hiện trong một chương trình thành công mang tên Chocolate Dandies, cũng đã đi lưu diễn đến Moscow và St. Petersburg. Buổi biểu diễn đã giúp cô có tấm vé đến Broadway, tiếp theo là Châu Âu chỉ một thời gian ngắn sau đó.
Paris hoa lệ và quyến rũ
Chỉ đeo một vài chiếc lông vũ và một chiếc vòng cổ gắn ngọc trai, cô xuất hiện một cách quyến rũ trong một chương trình tạp kỹ ở Nhà hát quý tộc Champs Elysees ở Paris vào năm 1925. Vẻ gợi cảm gợi tình, thân hình săn chắc và điệu nhảy Charleston huyền thoại của cô đã khiến khán giả không thể rời mắt.
Mọi người đặc biệt yêu thích vũ điệu hoang dã “danse sauvage” của cô, trong đó cô mặc một chiếc váy ngắn làm từ 16 quả chuối nhân tạo. Điểm dừng tiếp theo - Nhà hát tạp kỹ Folies Bergere nổi tiếng, tiếp theo là chuyến lưu diễn Châu Âu với Revue Negre đã đưa vũ công gợi cảm một cách kỳ lạ đến các thủ đô trên khắp Châu Âu.
Thần Vệ nữ đen trên sân khấu
Trong thời đại kinh tế phát triển ở một lục địa đang hồi sinh sau cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc, Josephine Baker ở Paris được coi là một biểu tượng tình dục, được so sánh với Thần vệ nữ đen “Black Venus” (“Thần Vệ nữ” đen Hottentot - biệt hiệu của Saartjie Baartman (1789-1815), một thiếu nữ da đen người dân tộc Khoi đến từ Nam Phi - có mông to, môi dày mà vóc dáng rất được những người Châu Âu da trắng ở London muốn chiêm ngưỡng. Saartjie Baartman sau đó đã đến Paris và cuối cùng chết vì bệnh truyền nhiễm vào ngày 29/12/1815, ND).
Những người ngưỡng mộ đã tặng cho cô những món quà đắt tiền và lời thề yêu thương, nhưng cô không bị rung động. Diva có vô số người tình, cả nam lẫn nữ; đám đông trở nên hoang dã, náo loạn một khi Thần vệ nữ đen ấy xuất hiện… Tuy nhiên, ở Munich, Đức, cô đã bị cấm biểu diễn do dự kiến ”Vi phạm phép lịch sự nơi công cộng”.
Là một ngôi sao nổi tiếng ở Châu Âu, cô ấy đã phải đối mặt với sự thù địch phân biệt chủng tộc trong chuyến lưu diễn ở Mỹ - sau buổi biểu diễn của mình, cô ấy sẽ phải rời nhà hát qua lối dịch vụ riêng. Năm 1937, Josephine kết hôn với một nhà công nghiệp người Pháp và nhập quốc tịch Pháp.
Gián điệp chống lại Đức quốc xã
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ năm 1939 và việc Đức Quốc xã chiếm đóng Pháp về cơ bản đã thay đổi cuộc đời của Josephine Baker mãi mãi. Lúc đầu, cô làm việc cho Hội Chữ thập đỏ và sau đó trở thành điệp viên của phong trào kháng chiến Pháp. Trong hành lý du lịch và lưu diễn của mình, Josephine đã mang theo thư từ và các tài liệu bí mật qua biên giới. Khi chiến tranh kết thúc, Tướng Charles De Gaulle - người sau này trở thành Tổng thống Pháp - đã trao tặng Josephine Baker Huân chương Bắc đẩu Bội tinh.
“Gia đình cầu vồng”
Josephine Baker và chồng sống tại Les Milandes, một lâu đài có từ thế kỷ 15 ở tây nam nước Pháp. Nó trở thành “gia đình cầu vồng” của bà - nhà của 12 đứa trẻ có nguồn gốc hoàn toàn khác nhau mà bà đã nhận nuôi trong nhiều năm. Baker đi lưu diễn liên tục và hầu như không bao giờ ở nhà. Bà để việc nuôi dạy con cái cho chồng và bảo mẫu.
Năm 1963, bà tham gia Tháng Ba huyền thoại ở Washington, diễu hành cùng Martin Luther King để phản đối nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Josephine Baker có một cuộc sống xa hoa, nhưng cuối đời, lại mắc nợ nặng nề. Tháng 05/1968, tài sản của bà bị tịch thu. Trước đó khá lâu, chồng bà đã bỏ bà.
Bạn của bà - Công chúa Gracia Patricia của Monaco, hay còn được gọi là Grace Kelly, đảm bảo rằng các con của Baker sẽ được Hội Chữ thập đỏ của Đại Công quốc nhỏ nhưng giàu có này tài trợ chăm sóc, nuôi nấng... Năm 1973, Baker đã tổ chức một “sự trở lại” tại Carnegie Hall ở New York, và hai năm sau đó, một buổi biểu diễn đáng nhớ tại Nhà hát Bobino ở Paris và thu hút được sự chú ý.
Tuy nhiên, người diva già không thể sống tiếp với hào quang và có được những thành công như trước đó. Ngày 12/4/1975, bà qua đời vì trụy tim ở tuổi 68. Vai trò của một điệp viên Đồng minh và là mẹ của 12 đứa con có thể không được nhiều người biết đến, nhưng sự nổi tiếng của Josephine Baker với tư cách là một vũ công gợi cảm vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay.
LÊ NGỌC/VOV
Hình ảnh Liên Xô những năm tháng cuối cùng qua ống kính nhiếp ảnh gia Mỹ