/ Nhịp cầu doanh nghiệp
/ Nhiệt điện than thế giới giảm, Việt Nam đang gia tăng

Nhiệt điện than thế giới giảm, Việt Nam đang gia tăng

05/01/2021 17:55 |4 năm trước

LSVNO – Theo Báo cáo của Tổ chức Giám sát Năng lượng toàn cầu (Global Energy Minitor), Hòa bình xanh Ấn Độ (GreenPeace India), Sierra Club công bố ngày 28/3/2019 cho biết, năm 2018 nhiệt điện tha...

LSVNO – Theo Báo cáo của Tổ chức Giám sát Năng lượng toàn cầu (Global Energy Minitor), Hòa bình xanh Ấn Độ (GreenPeace India), Sierra Club công bố ngày 28/3/2019 cho biết, năm 2018 nhiệt điện than toàn thế giới tiếp tục giảm mạnh, còn Việt Nam đang tăng.

Đây là khảo sát thường niên lần thứ 5 đối với các dự án nhiệt điện than, có tên “Bùng nổ và Thoái trào 2019: Giám sát các Nhà máy Điện than toàn cầu”... Nội dung chính của báo cáo cho biết: Số nhà máy nhiệt điện than đóng cửa tiếp tục tăng với tốc độ kỷ lục trên toàn thế giới trong năm 2018. Công suất các nhà máy điện than thi công mới giảm 39% so với năm 2017 và 84% so với năm 2015; công suất được cấp phép hoạt động mới giảm 20% so với năm 2017 và 53% so với năm 2015. Hoạt động tiền thi công giảm 24% so với năm 2017 và 69% so với năm 2015.

Nhà máy nhiệt điện than ở Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Sáu Nghệ.

Số nhà máy đóng cửa nhiều nhất ở Mỹ, bất chấp chính quyền Tổng thống Trump muốn duy trì hoạt động các nhà máy nhiệt điện than lâu đời. Đồng thời, hơn 100 tổ chức đã thắt chặt tài chính cùng kế hoạch chấm dứt hoạt động các nhà máy nhiệt điện than tại 31 quốc gia. Theo cơ sở dữ liệu giám sát các dự án điện than toàn cầu Global Coal Plant Tracker1, tại Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia chiếm 85% công suất điện than mới toàn cầu từ năm 2005, lượng giấy phép cấp cho các nhà máy mới đã giảm thấp kỷ lục.

Mặc dù tổng công suất tăng ròng toàn thế giới (công suất của các nhà máy mới trừ đi công suất của các nhà máy đóng cửa) tiếp tục giảm nhưng mức tăng công suất điện than trong năm 2018 vẫn đáng kể. Tính chung, công suất điện than toàn cầu đã tăng ròng 19GW trong năm 2018.

Năm 2018, tổng công suất của các nhà máy điện than mới được cấp phép đạt 50,2GW gồm Trung Quốc 34,5GW; Ấn Độ 7,7GW; các nước còn lại 8GW (chủ yếu là Indonesia, Nhật Bản, Pakistan, Philippines, Nam Phi, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam). Tổng công suất điện than ngừng hoạt động năm 2018 gần 31GW và đây là năm có số nhà máy điện than ngừng hoạt động cao thứ ba trong các năm qua.

Theo báo cáo, công suất các nhà máy điện than đang thi công đã tăng 12% trong năm 2018, từ mức 209GW năm 2017 lên xấp xỉ 236GW năm 2018. Mức tăng này chủ yếu do Trung Quốc âm thầm nối lại hoạt động thi công các nhà máy điện than với tổng công suất hơn 50GW trước đó đã bị “treo” do chính sách thắt chặt của chính phủ. Trung Quốc từng cấp phép thi công ồ ạt nhà máy nhiệt điện than trong giai đoạn từ năm 2014 - 2016.

Ấn Độ cũng đang đối mặt với hậu quả của việc cấp phép ồ ạt cho các nhà máy nhiệt điện than dù tình trạng này bắt đầu trước Trung Quốc một thời gian dài. Năm 2011, nghiên cứu của tập đoàn năng lượng Prayas, Ấn Độ cho thấy, hơn 512GW điện than tại quốc gia này ít nhất đã nhận được phê duyệt ban đầu - cao gấp 5 lần quy mô công suất phát điện than cả nước vào thời điểm đó. Tình trạng bùng nổ cấp phép này một phần là do tư nhân hóa các nhà máy nhiệt điện than năm 2003 với các hợp đồng mua bán điện cố định, dài hạn. Tới năm 2013, lượng giấy cấp phép mới đã giảm 40% so với năm 2012 và sang năm 2015, Ấn Độ ghi nhận các dự án nhiệt điện than bị hủy bỏ có công suất tới 305GW. Năm 2017, chỉ các nhà máy điện than được các doanh nghiệp quốc doanh chống lưng mới có khả năng tiến hành thi công.

Tháp làm mát của nhà máy điện đã dừng hoạt động ở Orlando, Nam Phi trở thành nơi triển lãm những bức ảnh sơn tường và quảng cáo. Ảnh: Global Energy Minitor.

Số lượng các nhà máy trong giai đoạn tiền thi công sẽ giảm sâu hơn nữa nếu không xuất hiện một số đề án xây dựng nhà máy nhiệt điện than quy mô lớn (từ 4GW đến 6,6GW) trong vài năm qua tại Nga, Ai Cập, Nam Phi và Bangladesh. Tất cả các nhà máy này đều được phía Trung Quốc rót vốn. Tính chung, các đề án này chiếm hơn 12% (21,2GW) trong tổng số 174GW của các đề án nhà máy nhiệt điện than chưa được cấp phép xây dựng bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc và Ấn Độ.

Hoạt động thi công các nhà máy nhiệt điện than mới tập trung tại 11 quốc gia, đứng đầu là Trung Quốc, tiếp đó là Nhật Bản với tổng công suất 2,7GW; Ấn Độ 2,4GW; Indonesia 2GW; Việt Nam 1,3GW và Ba Lan 1GW. Ngoài Ấn Độ và Trung Quốc có công suất nhà máy điện than đang xây dựng hàng đầu thì 5 quốc gia là Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Philippines và Việt Nam cũng chiếm 42% (30GW) trong tổng số 71GW công suất điện than đang thi công bên ngoài Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, con số này chỉ tương đương khoảng 1/4 tổng công suất điện than đang thi công tại Trung Quốc. Tính chung, công suất các nhà máy điện than đang thi công trên toàn cầu đã giảm 30% so với mức 338GW của năm 2015

Tổng công suất điện than ở các quốc gia còn lại trên thế giới tiếp tục giảm. Nhật Bản đã hủy bỏ 7GW điện than được đề xuất kể từ năm 2017 trong khi Hàn Quốc dừng cấp phép cho các nhà máy mới. Philippines, Nigieria và Nga là những nước duy nhất có công suất điện than tiền thi công vượt 1GW trong năm 2018.

Ở Việt Nam trong 5 năm qua đã tăng 75% (13GW) công suất điện than, đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong số các nước có quy mô công suất trên 4GW. Hiện Việt Nam có hơn 17GW điện than đang vận hành, trong đó 1,8GW bổ sung trong năm 2018. Có gần 33GW trong giai đoạn tiền thi công, trong đó 10GW đã được cấp phép thi công. Ngoài ra còn có 9,7GW đang xây dựng. Vốn hỗ trợ cho các dự án này chủ yếu từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các dự án này có thể sẽ chậm lại do chính sách thắt chặt tài chính cho than của các ngân hàng Nhật Bản như Sumitomo Mitsui, MUFG và Mizuho. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang rót vốn cho các dự án điện than ở Việt Nam với tổng công suất gần 14GW.

Theo ước tính của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành ở mức trung bình có phát thải rất lớn, gây khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu kiềm chế tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5°C - 2°C. Dù công suất điện than mới đang giảm dần nhưng sẽ không thể thực hiện các mục tiêu khí hậu toàn cầu nếu không chặn đứng sự phát triển của các nhà máy nhiệt điện than mới và nhanh chóng dừng hoạt động của các nhà máy đang vận hành. Trong lúc đó, hơn một nửa các nước thành viên EU đã cam kết chấm dứt sử dụng than vào năm 2030 và Đức đưa ra cam kết ngừng sử dụng nhiên liệu này vào năm 2038.

Sáu Nghệ

Tổ chức Giám sát Năng lượng toàn cầu (Global Energy Monitor) là mạng lưới các nhà nghiên cứu toàn cầu nỗ lực phát triển nguồn thông tin tổng hợp về nhiên liệu hóa thạch và các giải pháp thay thế. Trong đó, hệ thống Global Coal Plant Tracker là cơ sở dữ liệu trực tuyến được xây dựng nhằm xác định, lập bản đồ, mô tả và phân loại các nhà máy điện than đang vận hành và được quy hoạch từ ngày 01/01/2010 (có công suất ≥30 MW) trên toàn thế giới. Các tác giả của báo cáo công bố lần này gồm Christine Shearer (nghiên cứu và phân tích tại Global Energy Monitor), Neha Mathew-Shah (đại diện quốc tế của Chương trình Hợp tác cộng đồng và công bằng môi trường tại Sierra Club), Lauri Myllyvirta (nhà phân tích cao cấp của Chương trình Ô nhiễm không khí toàn cầu tại Greenpeace), Aiqun Yu (nhà nghiên cứu người Trung Quốc làm việc cho Global Energy Monitor) và Ted Nace (Giám đốc Global Energy Monitor).