/ Pháp luật - Đời sống
/ Kê khai giá bán nhà đất thấp hơn thực tế bị xử lý thế nào?

Kê khai giá bán nhà đất thấp hơn thực tế bị xử lý thế nào?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Khi tôi đang thỏa thuận về việc ký hợp đồng công chứng mua lô đất với bên bán, bên bán muốn tôi ghi giá trong hợp đồng giảm xuống một nửa. Vậy, đây có phải là hành vi mua bán đất "hai giá" không? Pháp luật quy định thế nào về vấn đề này?

Ảnh minh họa.

Tư vấn về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, mua bán đất "hai giá" là việc chuyển nhượng một thửa đất nhưng các bên lập hai hợp đồng chuyển nhượng với hai giá khác nhau nhằm trốn, giảm số thuế, lệ phí phải nộp.

Theo đó, khi chuyển nhượng đất hai giá các bên thường lập 02 hợp đồng như sau:

- 01 hợp đồng không có công chứng hoặc chứng thực theo quy định, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong hợp đồng này là “giá thực tế” mà bên nhận chuyển nhượng trả cho bên chuyển nhượng.

- 01 hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực theo quy định, hợp đồng này được sử dụng để khai nộp thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ và đăng ký biến động theo quy định (đăng ký sang tên). Giá chuyển nhượng tại hợp đồng này thường thấp hơn nhiều so với giá thực tế mà các bên thỏa thuận nhằm trốn, giảm thuế.

Xử lý thế nào?

Cụ thể, về xử phạt hành chính, Luật sư cho hay, căn cứ Điều 17, Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi trốn thuế như sau:

- Phạt tiền 01 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c, khoản 4 và khoản 5, Điều 13, Nghị định này;

Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế, trừ hành vi quy định tại Điều 16 Nghị định này.

Không lập hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.

Sử dụng hoá đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hoá đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.

Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hoá không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm.

Sử dụng hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế.

Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 10, Nghị định này.

- Phạt tiền bằng 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

- Phạt tiền bằng 02 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có 01 tình tiết tăng nặng.

- Phạt tiền bằng 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế có 02 tình tiết tăng nặng.

- Phạt tiền bằng 03 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế có từ 03 tình tiết tăng nặng trở lên.

Ngoài việc bị phạt tiền, người bị xử phạt còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, đó là buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách Nhà nước.

Trường hợp hành vi trốn thuế đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách Nhà nước trong thời hạn mười năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tiền thuế cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

Cũng theo Luật sư, việc các bên chuyển nhượng thỏa thuận lập hai hợp đồng với hai giá khác nhau có thể dẫn đến tranh chấp, trường hợp này rủi ro thuộc về chuyển nhượng (bên bán).

Khi có hai hợp đồng, trong đó chỉ có một hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực thì theo quy định hợp đồng này sẽ có hiệu lực và được pháp luật bảo vệ.

Nói cách khác, pháp luật sẽ ghi nhận hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực với giá thấp hơn nhiều so với “giá thực tế” và khi đó bên chuyển nhượng dễ “bị mất tiền” nếu bên nhận chuyển nhượng chưa trả hoặc chưa trả hết số tiền chênh lệch.

Ngoài ra, rủi ro sẽ thuộc về bên nhận chuyển nhượng nếu hợp đồng bị tuyên vô hiệu. Hậu quả pháp lý khi hợp đồng bị tuyên vô hiệu thì các bên có nghĩa vụ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận (theo khoản 2, Điều 131, Bộ luật Dân sự 2015). Khi đó, bên nhận chuyển nhượng chỉ nhận được số tiền trong hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp chứng minh tồn tại hợp đồng theo giá thực tế.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự, Luật sư cho hay:

Khung hình phạt cơ bản

Căn cứ khoản 1, Điều 200, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, người chuyển nhượng quyền sử dụng đất “hai giá” nhằm trốn thuế với số tiền từ 100 đến dưới 300 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Hoặc trốn thuế dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về Tội trốn thuế hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất

Khoản 2, Điều 200, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 01 - 03 năm:

- Có tổ chức.

- Số tiền trốn thuế từ 300 triệu đồng đến dưới 01 tỷ đồng.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

- Phạm tội 02 lần trở lên.

- Tái phạm nguy hiểm.

Khung hình phạt tăng nặng thứ hai

Khoản 3, Điều 200, Bộ luật Hình sự 2015 quy định phạm tội trốn thuế với số tiền 01 tỷỉ đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1,5 tỉ đồng đến 4.5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 02 - 07 năm.

Ngoài hình phạt chính như trên, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng (hình phạt bổ sung này chỉ áp dụng khi hình phạt chính là phạt tù),...

Tóm lại, người chuyển nhượng quyền sử dụng đất “hai giá” nhằm trốn thuế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt chính là phạt tiền hoặc phạt tù có thời hạn đến 07 năm theo quy định Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017.

TRẦN QUÝ

Trường hợp nào không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn?

Lê Minh Hoàng