Theo đó, nếu SME do phụ nữ làm chủ có nhu cầu vay mới (thế chấp hoặc tín chấp), VPBank sẽ cung cấp mức lãi suất giảm đến 2% một năm (giảm tối đa 230 triệu đồng/khách hàng) cùng hàng loạt ưu đãi khác như: Miễn/giảm phí dịch vụ tài khoản thanh toán, dịch vụ quản lý dòng tiền, dịch vụ ngân hàng điện tử… qua đó tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng giá rẻ, giảm giá thành đầu vào cho doanh nghiệp (DN).
VPBank đưa ra chương trình ưu đãi hấp dẫn nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Với những khách hàng đang có khoản vay cũ, VPBank tiếp tục áp dụng các hỗ trợ đang có như xem xét giãn nợ, gia hạn, tái cơ cấu khoản vay… từ đó DN sẽ giảm bớt áp lực tài chính, nhanh chóng khởi động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế bước đầu hồi phục.
Bên cạnh trợ lực tài chính, VPBank cũng phối hợp với đối tác tổ chức các lớp đào tạo CEO, hội thảo, tọa đàm, tư vấn 1-1 với sự tham gia của những chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, giúp nữ doanh nhân giao lưu, học hỏi, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng, cập nhật cơ chế mới để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.
Để được hưởng những ưu đãi từ gói hỗ trợ trên, tại thời điểm phê duyệt khoản vay, SME phải có ít nhất 20%-51% vốn do một hoặc nhiều phụ nữ sở hữu. Ngoài ra, DN cũng cần đáp ứng tối thiểu 2 trong 3 tiêu chí phụ trong năm tài chính liền kề như: Có từ 10 đến 300 nhân viên; tổng tài sản hoặc doanh thu đạt từ 2,3 tỷ đồng đến 345 tỷ đồng.
Song song với đó, từ nay đến hết 31/12/2021, SME do phụ nữ làm chủ khi mở mới tài khoản DN và sử dụng thành công dịch vụ Internet Banking tại VPBank sẽ được ngân hàng tặng nhiều phần quà tri ân như: Tài khoản số đẹp trị giá đến 5,5 triệu đồng; miễn phí chuyển khoản trực tuyến trong và ngoài nước, miễn phí 6 tháng trải nghiệm phần mềm chấm công trực tuyến do đối tác Tanca tài trợ, tặng combo khẩu trang y tế N95+ Model 8511…
Đại diện VPBank chia sẻ, hiện nay, số lượng khách hàng DN do nữ làm chủ của VPBank là gần 19.000 (chiếm khoảng 18,5% tổng số lượng khách hàng SME). Do vậy loạt ưu đãi sẽ là nguồn động lực lớn cho các DN, giúp họ tháo gỡ các khó khăn về nguồn vốn trong hoàn cảnh chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh.
“Gói hỗ trợ này được triển khai theo Hiệp định viện trợ không hoàn lại trích từ Quỹ Sáng kiến tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-Fi) do ADB ủy thác quản lý và cũng là một phần trong chiến lược dài hạn của Ngân hàng nhằm gia tăng trợ lực với các DN do phụ nữ lãnh đạo. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách, điều kiện thuận lợi nhất để sớm triển khai các hoạt động khác trong tương lai”, đại diện VPBank cho hay.
Theo thống kê của Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), năm 2020, Việt Nam hiện có gần 96.000 DN do phụ nữ làm chủ. Tuy nhiên, phần lớn các DN này là siêu nhỏ, 42% là SME và chỉ có 1% là DN lớn. Các DN có phụ nữ làm chủ thường gặp nhiều khó khăn hơn so với các DN của nam giới do đa số tập trung trong những lĩnh vực dễ bị tổn thương bởi suy thoái nền kinh tế (du lịch, bán lẻ, dịch vụ ăn uống…); kém nhạy bén thị trường; khả năng vay vốn không cao đi kèm áp lực chăm sóc gia đình, con cái…
Cũng theo khảo sát của Mastercard năm 2021, các DN do phụ nữ làm chủ chỉ nhận được 5% tổng khoản vay dành cho các DN nhỏ. Dưới tác động của COVID-19, 87% nữ chủ DN đối mặt với tác động tiêu cực và các DN do nữ làm chủ có nguy cơ đóng cửa cao hơn 7% so với các DN do nam giới làm chủ.
PV