/ Dọc đường tố tụng
/ Kết thúc vụ tranh chấp dự án ngàn tỉ nhiều tình tiết lạ ở Bình Dương

Kết thúc vụ tranh chấp dự án ngàn tỉ nhiều tình tiết lạ ở Bình Dương

12/04/2022 04:23 |

(LSVN) - Đơn vị trúng đấu giá tài sản dự án ngàn tỉ ở Bình Dương nhưng 05 năm qua bị cuốn vào vòng tranh chấp kỳ lạ. Đến nay, với quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, vụ án đến hồi kết.

Được biết, dự án KDC Hoà Lân ở thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương do Công ty TNHH SXTM Thiên Phú (gọi tắt là Công ty Thiên Phú) làm chủ đầu tư. Giữa năm 2017, dự án bị Ngân hàng Agribank chi nhánh Chợ Lớn, TP. Hồ Chí Minh bán phát mãi để thu hồi nợ xấu từ hai hợp đồng vay của Công ty Thiên Phú.

Tuy vậy, phải đến phiên đấu giá thứ 13, khi Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh (gọi tắt là Công ty Kim Oanh) trả giá 1.353 tỉ đồng, dự án mới có chủ mới. Cùng với việc giải quyết các vấn đề tồn đọng chủ đầu tư cũ để lại, tổng số tiền Công ty Kim Oanh bỏ vào dự án là khoảng 1.600 tỉ đồng.

Đầu năm 2017, ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc, sở hữu 99% cổ phần Công ty Thiên Phú khởi kiện Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn (đơn vị tổ chức đấu giá) ra TAND quận 7 đề nghị hủy toàn bộ kết quả bán đấu giá, xin nhận lại dự án. Chỉ vài tháng sau, ông Sơn bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam trong một vụ án khác và từ trại giam ông có đơn xin rút lại nội dung khởi kiện.

Hiện trạng dự án KDC Hoà Lân. Ảnh: Trang Nguyên.

Thế nhưng, vụ án vẫn được đưa ra xét xử. Tại phiên xét xử cấp sơ thẩm của TAND quận 7 các yêu cầu của nguyên đơn (là Công ty Thiên Phú): Hủy kết quả đấu giá, yêu cầu tuyên vô hiệu hợp đồng bán tài sản đấu giá, hủy biên bản thoả thuận về việc xử lý tài sản thu hồi nợ của Công ty Thiên Phú, tuyên vô hiệu hợp đồng tín dụng… đều bị tòa “không chấp nhận”. 

Cấp phúc thẩm của TAND TP. Hồ Chí Minh sau đó cũng tuyên án không thay đổi gì so với cấp sơ thẩm.

Tưởng chừng vụ việc kết thúc, nhưng giữa tháng 06/2021, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, theo hướng đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh hủy hai bản án để giải quyết lại. Việc kháng nghị này trên cơ sở xem xét đơn đề nghị của một tạp chí kinh tế và của ông Bùi Thế Sơn. Một lần nữa vụ án quay lại điểm giải quyết ban đầu.

Nhưng sau đó, những đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan như: Công ty Thiên Phú, Công ty Kim Oanh, Công ty Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn, Ngân hàng Agribank – chi nhánh Chợ Lớn… có đơn đề nghị xem xét lại quyết định kháng nghị giám đốc thẩm nói trên theo trình tự giám đốc thẩm. Sau đó, Chánh án TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã có quyết định kháng nghị theo hướng này.

Xin sớm triển khai dự án vì doanh nghiệp đã thiệt hại… đủ đường

Trong vụ việc liên quan tới dự án Hòa Lân có nhiều tình tiết đáng lưu ý. Đó là việc ông Bùi Thế Sơn, ban đầu là nguyên đơn khởi kiện, sau đó rút đơn nhưng toà vẫn đưa ra xét xử. Việc Công ty Thiên Phú liên tục có những thay đổi người đại diện tham gia vụ kiện. Sau này, cá nhân ông Bùi Thế Sơn và khá hi hữu là một tạp chí có đơn đề nghị Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án.

Một tình tiết khác, trong tiến trình tranh chấp dự án, Thanh tra Bộ Tư pháp đã vào cuộc và có kết luận, quá trình đấu giá tài sản hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.

Bà Đặng Thị Kim Oanh,Tổng Giám đốc Công ty Kim Oanh mong rằng trong thời gian sắp tới được chính quyền Bình Dương hỗ trợ, nhanh chóng sở hữu dự án và đưa vào khai thác. Ảnh: Website Kim Oanh Group.

Mới đây, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm liên quan đến vụ tranh chấp kéo dài này. Quyết định của đơn vị tố tụng tối cao tuyên, hủy quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh; giữ nguyên bản án kinh doanh, thương mại cấp phúc thẩm của TAND TP. Hồ Chí Minh.

Hội đồng thẩm phán đưa ra phán quyết nói trên dựa trên việc xét xét toàn diện các vấn đề trong vụ án này. 

Theo đó, về hợp đồng tín dụng, tài sản thế chấp đảm bảo khoản vay, về xử lý tài sản thế chấp, trình tự thủ tục bán đấu giá tài sản, bàn giao tài sản cho Công ty Kim Oanh… được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao nhận định là đúng, đảm bảo quy định pháp luật.

Một vấn đề là bên mua tài sản (Công ty Kim Oanh) chậm thanh toán sau khi trúng đấu giá, cũng được làm rõ. Theo đó, trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá có quy định, thời hạn 45 ngày kể từ khi mua bán đấu giá thành công, bên mua phải thanh toán toàn bộ số tiền, nhưng có đề cập, vì lý do bất khả kháng (về pháp lý) có phát sinh tranh chấp thì các bên cùng bàn bạc, thống nhất, giải quyết trên tinh thần hợp tác, cùng có lợi.

Thực tế, khi có tranh chấp kéo dài như kể trên, phía Công ty Kim Oanh cùng ngân hàng, công ty tổ chức đấu giá -  ký thêm biên bản, phụ lục hợp đồng đổi thời hạn thanh toán và Công ty Kim Oanh phải trả lãi theo mức 8%/năm. Đến tháng 05/2019, Kim Oanh đã thanh toán xong tiền mua tài sản là 1.353 tỉ đồng và tiền lãi phát sinh hơn 97 tỉ đồng.

Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao nhận định về vấn đề này không vi phạm pháp luật, không gây thiệt hại đến quyền lợi Công ty Thiên Phú.

Bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Công ty Kim Oanh chia sẻ: “Chúng tôi mua tài sản đấu giá đúng pháp luật, công khai minh bạch, đã thanh toán tiền đầy đủ. Do lịch sử khu đất cầm cố ngân hàng, qua nhiều đời chủ, Công ty Kim Oanh phải bỏ công sức, tài chính ra để xử lý thay ngân hàng và chủ đầu tư.

Nay giá bất động sản tăng, do khu vực đất lên thành phố, doanh nghiệp mua đấu giá chưa thấy giá trị đâu mà 05 năm qua điêu đứng vì kiện tụng, từ tòa địa phương tới Trung ương. Có những lúc khó khăn, doanh nghiệp tưởng như không vượt qua nổi… 

Với phán quyết này tôi hi vọng đây là kết quả giải quyết cuối cùng, kết thúc những tranh chấp liên quan đến dự án Hoà Lân.

Chúng tôi đang khẩn trương tiến hành các thủ tục và mong rằng các cơ quan ban ngành tỉnh Bình Dương tạo điều kiện, hỗ trợ để doanh nghiệp nhanh chóng hợp pháp sở hữu, khai thác tài sản”.

TRANG NGUYÊN/VNN

Trường Cao đẳng Công nghiệp hóa chất: Đề bạt cán bộ cấp khoa, phòng và chi tiêu tài chính sai nguyên tắc

Lê Minh Hoàng