Khu vực Đèo Vàng thuộc xã Xuân An, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ bị núi sạt lấp con đường tỉnh lộ duy nhất lên xã Trung Sơn (xã cao nhất tỉnh), chia cắt hoàn toàn với hai khu của xã Xuân An và Trung Sơn với hạ du. Nơi núi lở địa hình hiểm trở, trên là núi cao, dưới là vực sâu. Không những thế, còn phát hiện một vết nứt dài 100m, rộng 30-40cm, đe dọa tiếp tục sạt lở. Vì thế, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ đã cấm người và phương tiện qua lại nơi đây.
Ngay trong đêm xảy ra sự cố, chính quyền địa phương đã cử người túc trực, cảnh báo người đi đường nên không xảy xa thiệt hại người và tài sản. Sau đó, lãnh đạo huyện đã huy động lực lượng và phương tiện mở đường tránh trên núi, kịp thời tiếp tế lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân vùng bị chia cắt. Dùng sức người cõng hàng qua con đường trên núi mới mở, tránh chỗ sạt lở sang bên kia chân núi cho đồng bào, đảm bảo đời sống bình thường cho bà con dân bản. Để khai thông con đường này hẳn sẽ còn cần nhiều thời gian và công sức.
Tại hiện trường chỉ đạo khắc phục sự cố sạt lở, Chủ tịch UBND huyện Yên Lập Hà Việt Hùng đã cho huy động nhiều lực lượng phối hợp với nhân dân mở đường tránh để tiếp cận với khu vực bị chia cắt. Đến nay, có 3 con đường như vậy ở các hướng khác nhau đã hoàn thành, khắc phục phần nào giao thông bị ngưng trệ.
Chủ tịch UBND huyện Yên Lập cho biết thêm, việc sạt lở đất xảy ra theo chu kỳ chừng 6,7 năm một lần. Nguyên nhân là do đến vụ khai thác cây nguyên liệu giấy trồng trên núi, khi bị chặt trơ trụi, không còn lớp phủ bì, mưa ngấm xuống đất gây sạt lở. Đây là phát hiện đáng quan tâm về lâu dài cần có những cánh rừng phòng hộ, trông cây lâu năm dọc theo tuyến đường có thể tránh được hậu họa xảy ra.
Chỉ một điểm sạt lở trên đường nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân của cả một vùng. Nhưng khi sự cố xảy ra thì mới thấy hết tinh thần vì dân và trách nhiệm cao của chính quyền địa phương, sự tương thân, tương ái của đồng bào, chia sẻ khó khăn và tập hợp sức mạnh của cả cộng đồng.
BÌNH SƠN