Ảnh minh họa.
Ngày 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị tập trung đánh giá tình hình chuyển đổi số thời gian qua, kết quả, thành tựu, tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng đánh giá chuyển đổi số đã trở thành phong trào, xu thế, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu. Trong giai đoạn 2021-2024, chuyển đổi số được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, bao trùm, xuyên suốt, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, công tác chỉ đạo, điều hành đã có kinh nghiệm hơn, lớp lang, bài bản, bám sát thực tiễn hơn, có kết quả tốt hơn. Chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người". Niềm tin của người dân và doanh nghiệp được củng cố, nâng lên, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới. Chuyển đổi số rất phù hợp với phẩm chất, năng lực người Việt Nam là cần cù, ham học hỏi, linh hoạt và sáng tạo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong chuyển đổi số. Nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số còn chậm, chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.
Sau khi phân tích các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng khái quát một số bài học kinh nghiệm quan trọng như: Phải huy động vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương…; phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công rõ người, rõ việc; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách...
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, điều quan trọng nhất, quyết định nhất, mang tính chiến lược, lâu dài, cơ bản là các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải tiên phong, gương mẫu thúc đẩy chuyển đổi số thuộc phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Thủ tướng yêu cầu phân công công việc "rõ mục tiêu, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả" và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc để bảo đảm tiến độ, chất lượng công việc, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tăng cường phối hợp và kỷ luật kỷ cương hành chính, tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên.
Trong đó, Thủ tướng cũng lưu ý 05 trọng tâm, cần mạnh dạn "tăng tốc", "bứt phá" trong chuyển đổi số với khí thế tiến công mạnh mẽ, phát huy tinh thần 05 "đẩy mạnh", 05 "bảo đảm" gắn với 05 "không".
Chỉ rõ một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật và văn bản hướng dẫn liên quan đến thương mại điện tử, nhất là Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển thương mại điện tử nhằm quản lý, phát triển các nền tảng thương mại điện tử trong nước, xuyên biên giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, bảo đảm tính cạnh tranh và ngăn chặn các hành vi bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng.
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về áp dụng hóa đơn điện tử đối với các giao dịch thương mại điện tử và các hoạt động livestream, dịch vụ ăn uống...
Về dịch vụ công trực tuyến, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung triển khai phấn đấu đến hết năm 2024 đạt 80% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính; đến năm 2025 đạt 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân…
QUÝ MINH (t/h)
Đề xuất 10 nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế