(LSVN) - Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch ban hành văn bản pháp luật để đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào thực tiễn cuộc sống.
Ảnh minh họa.
Ngày 22/01/2024, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo đó, nhấn mạnh việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành là nhiệm vụ hàng đầu của kế hoạch thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi): Nghị định chung hướng dẫn các điều, khoản chung; các lĩnh vực chuyên sâu (quản lý đất lúa; thu tiền sử dụng đất; định giá đất; thu hồi, bồi thường, tái định cư; điều tra cơ bản thông tin dữ liệu đất đai…); đất đai cho hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng, công nghiệp…
Cùng với đó là đề án truyền thông chính sách, tuyên truyền phổ biến về Luật, đưa các điều khoản, quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) được thực thi, áp dụng hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, chú trọng tập huấn, quán triệt đến những người làm công tác lãnh đạo, quản lý đất đai từ Trung ương tới các địa phương; kiện toàn, sắp xếp bộ máy, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai phục vụ công tác định giá vào năm 2025;… nhằm bảo đảm điều kiện tổ chức thi hành Luật.
Phó Thủ tướng yêu cầu phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, hoàn thiện và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm hiệu lực đồng thời, đồng bộ, thống nhất.
Các bộ, ngành cần rà soát kỹ lưỡng những điều, khoản của Luật Đất đai (sửa đổi) giao thẩm quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các bộ quy định, hướng dẫn thực hiện, để phối hợp triển khai xây dựng 01 nghị định hướng dẫn chung và một số nghị định riêng có tính chuyên môn đặc thù. Tinh thần chung là số lượng nghị định phải là ít nhất; triển khai, áp dụng Luật khoa học, chặt chẽ.
Đồng thời, rà soát kỹ, chủ động đề xuất số nghị định được phân công xây dựng, các thông tư hướng dẫn chi tiết và phải được ban hành trước thời điểm có hiệu lực của các điều khoản trong Luật là ngày 01/4/2024 và ngày 01/01/2025, để có thời gian tập huấn, tuyên truyền, kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện.
Theo đó, để đồng bộ, thống nhất với một số điều, khoản của Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/4/2024, Bộ TN&MT khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ Nghị định quy định về lấn biển. Bộ NN&PTNT khẩn trương cập nhật các chính sách mới trong Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Để thực hiện những điều, khoản của Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, Bộ Tài chính chủ trì xây dựng các dự thảo nghị định liên quan đến vấn đề thu tiền và vấn đề liên quan đến thuế đất.
Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng các dự thảo nghị định về hướng dẫn sử dụng đất lúa.
Bộ TN&MT chủ trì xây dựng dự thảo các nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật; về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, về điều tra cơ bản và cơ sở dữ liệu đất đai, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;…
Bên cạnh đó, các bộ, ngành hữu quan tập trung xây dựng các văn bản dưới nghị định, đó là các thông tư hướng dẫn để thi hành các quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) lần này.
Bộ TN&MT có văn bản gửi các địa phương để khẩn trương rà soát, ban hành các văn bản quy định chi tiết theo thẩm quyền để tạo hành lang pháp lý đồng bộ khi Luật có hiệu lực thi hành.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ TN&MT và Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp xây dựng 02 đề án thí điểm theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tách công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công; thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất không phải là đất ở tại một số địa phương có năng lực thực hiện hoặc điều kiện đặc thù theo tiêu chí cụ thể.
QUÝ NGUYỄN (t/h)
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sửa quy định về bảo hiểm nông nghiệp