/ Pháp luật - Đời sống
/ Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

09/12/2023 18:10 |

(LSVN) – Quốc hội yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, hoàn thiện tiêu chí, quy trình, thủ tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thống nhất, hiệu quả; kịp thời phát hiện và xử lý các quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.


Ảnh minh họa.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương đã tích cực, chủ động, trách nhiệm, khẩn trương và phối hợp chặt chẽ trong triển khai rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15.

Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xem xét, xử lý kết quả rà soát và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đối với các nội dung do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán nhà nước kiến nghị; có giải pháp khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong các văn bản dưới luật.

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh có liên quan theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các chính quyền địa phương tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tập trung đầu tư nguồn lực cho xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng các dự án được giao theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; kịp thời triển khai có hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, ban hành đồng bộ, đúng thời hạn văn bản quy định chi tiết thi hành luật; có giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Trong đó đáng chú ý, Quốc hội yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, hoàn thiện tiêu chí, quy trình, thủ tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thống nhất, hiệu quả.

Ngoài ra, kịp thời phát hiện và xử lý các quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

DUY ANH

Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất

Bùi Thị Thanh Loan