/ Kinh tế - Pháp luật
/ Khẩn trương nghiên cứu khung pháp lý đối với tiền ảo, tiền kỹ thuật số

Khẩn trương nghiên cứu khung pháp lý đối với tiền ảo, tiền kỹ thuật số

29/05/2024 18:59 |

(LSVN) - Đại biểu Quốc hội đánh giá, việc giao dịch bằng tiền ảo diễn ra phổ biến với tính chất phức tạp, khó kiểm soát, dễ bị biến tướng, ẩn chứa nguy cơ để tội phạm hoành hành. Trong khi đó, hiện nay đang thiếu khung pháp lý để điều chỉnh đối với hoạt động này, dễ gây những hậu quả khó lường. Do đó, cần khẩn trương nghiên cứu khung pháp lý đối với tiền ảo, tiền kỹ thuật số.

Ảnh minh họa.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 29/5, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024; và nhiều nội dung quan trọng khác.

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) bày tỏ thống nhất, đánh giá cao Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024. Nhìn lại Kỳ họp thứ 5, khi Quốc hội khoá XV bàn về tình hình kinh tế - xã hội 06 tháng đầu năm 2023 và kế hoạch thực hiện những tháng cuối năm 2023 đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế của khu vực và thế giới rất ảm đạm, nhiều khó khăn, thách thức, dự báo sẽ nhiều thách thức hơn nữa.

Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao nhất, đất nước ta vẫn giữ vững mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Với sự điều hành linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ, các động lực tăng trưởng truyền thống đã được khai thác triệt để, linh hoạt khai thác các động lực tăng trưởng mới. Có thể thấy, tình hình kinh tế thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, trở thành điểm sáng của nền kinh tế khu vực và thế giới.

Về vấn đề cụ thể, Đại biểu Tạ Văn Hạ nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV đã đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu về tiền kỹ thuật số, tiền ảo. Tuy nhiên, qua 06 năm, Việt Nam vẫn khẳng định việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán vẫn không được pháp luật thừa nhận. Nhưng trên thực tế, thị trường tài chính trong nước đã xuất hiện nhiều sản phẩm dịch vụ công nghệ số, phương tiện thanh toán trực tuyến điện tử mới như như tiền ảo, tiền điện tử, mô hình cho vay ngang hàng... 

Đại biểu đánh giá, việc giao dịch bằng tiền ảo diễn ra phổ biến với tính chất phức tạp, khó kiểm soát, dễ bị biến tướng, ẩn chứa nguy cơ để tội phạm hoành hành. Trong khi đó, hiện nay đang thiếu khung pháp lý để điều chỉnh đối với hoạt động này, dễ gây những hậu quả khó lường. Do đó, Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu về vấn đề này.

TRẦN MINH (t/h)

Đề nghị ban hành quy định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Nguyễn Hoàng Lâm