Ảnh minh họa.
Tại cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, các doanh nghiệp đã kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong vấn đề cơ cấu trả nợ, lãi suất ngân hàng; giãn thu thuế đất cho doanh nghiệp du lịch; có chính sách giảm giá điện, nước, thuế cho doanh nghiệp; ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động... Cụ thể, đối với vấn đề đầu tư công, các chủ đầu tư dự án đề nghị tỉnh nới lỏng, cho phép mở lại các cửa hàng vật liệu xây dựng; tạo điều kiện cho các xe vận chuyển vật liệu vào công trường. Ngoài ra, công tác họp hội đồng bồi thường nên tiếp tục họp trực tuyến để giải quyết khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Sau khi nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh khẳng định, dịch bệnh vẫn còn phức tạp và ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, phải xem xét nới lỏng giãn cách theo từng vùng, không để kìm hãm sự phát triển kinh tế.
Để sau ngày 25/8 có thể áp dụng một số biện pháp nới lỏng mới cho toàn tỉnh, ông Nguyễn Hải Ninh yêu cầu UBND tỉnh sớm dự thảo văn bản chỉ đạo các phương án áp dụng, xem xét cụ thể các điều kiện để doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại.
Đồng thời, UBND tỉnh xem xét tiếp tục phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” đối với các doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu nới lỏng từ “3 tại chỗ” xuống còn “2 tại chỗ” (ăn, làm tại chỗ) với một số doanh nghiệp; nghiên cứu cho doanh nghiệp tự thành lập bộ phận y tế để test nhanh và gửi kết quả về Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh để cơ quan này gửi giấy chứng nhận qua hệ thống điện tử, mạng xã hội…
Ngoài ra, tại cuộc họp, các doanh nghiệp cũng đề xuất UBND tỉnh cần có hướng dẫn rõ ràng đối với một số vấn đề, như người lao động tại các công trình được phép đi làm sau ngày 25/8; việc lưu thông hàng hóa, có số đường dây nóng để doanh nghiệp phản ánh về việc các chốt gây khó dễ; trường hợp F0 xuất hiện trong doanh nghiệp, phân xưởng, công trường.
NGỌC ANH