Khánh Hòa: VKS phải bồi thường cho thân nhân người bị thiệt hại trong vụ án oan 41 năm trước

12/03/2022 08:08 | 2 năm trước

(LSVN) - Ngày 10/3, TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên án sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu của những người thừa kế của người bị giam oan trong vụ án giết người 41 năm trước, buộc VKS tỉnh này phải bồi thường hơn 1,6 tỉ đồng.

Luật sư Nguyễn Hồng Hà và ông Trần Bê, người bị hại trong vụ án oan sai.

Đây là vụ án oan hy hữu của lịch sử tố tụng thập niên 80. Thời điểm đó, pháp luật tố tụng hình sự chưa rõ ràng, chưa đảm bảo các quyền con người, quyền công dân. Những thiệt hại về tinh thần, vật chất đối với người bị oan và gia đình họ không được giải quyết, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. VKS tỉnh Khánh Hòa lấy lý do hết thời hiệu yêu cầu để từ chối thụ lý giải quyết, cho đến khi có chỉ đạo của VKSND Tối cao vụ việc mới được thụ lý thì người bị oan đã chết!

Án oan cách đây 41 năm

Vụ án xảy ra 41 năm trước, từ ngày 18/10/1981, sau khi họp tại nhà ông Huỳnh Chiếm Phái (sinh năm 1931 trú xã Ninh Giang, nay là phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa), ông N. Chủ tịch UBND xã Ninh Giang khi ấy bị bắn chết trên đường về. 

Tháng 12/1981, ông Huỳnh Chiếm Phái và ông Trần Bê (sinh năm 1957) bị tạm giam vì tình nghi giết người. Quá trình giam giữ, ông Phái bị bệnh nặng nên năm 1983 được tạm tha. Đến ngày 25/9/1984, VKSND tỉnh Phú Khánh quyết định đình chỉ điều tra về tội "Giết người" đối với ông Phái và ông Bê vì không đủ căn cứ buộc tội. 

Khiếu nại kéo dài.

Đến năm 2009, ông Phái và gia đình khiếu nại. Ngày 10/12/2009, VKSND tỉnh Khánh Hòa mới lập biên bản giải quyết mới giao cho gia ông Phái bản photo quyết định đình chỉ điều tra của VKSND tỉnh Phú Khánh.

VKSND Khánh Hòa sau đó thông báo ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng VKSND Tối cao về việc 2 trường hợp ông Huỳnh Chiếm Phái và ông Trần Bê sẽ được thụ lý bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước.

Tháng 8/2019, VKSND tỉnh Khánh Hòa đã xin lỗi công khai người thân của ông Phái bằng cách đăng trên Báo Khánh Hòa; niêm yết tại UBND phường Ninh Giang, sau đó thụ lý đơn yêu cầu giải quyết bồi thường của ông Trần Bê và ông Huỳnh Chiếm Hoạnh theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017.

“Hơn 40 năm trước tôi - người bị oan, sống trong đau khổ, thiệt hại nặng nề về sức khỏe, tổn thất tinh thần, vật chất, bản thân tôi và gia đình phải gánh chịu. Quá trình khiếu nại, tôi được sự trợ giúp pháp lý của Luật sư, sự quan tâm của các cơ quan báo chí, từ đó tôi luôn tin tưởng vào đường lối chính sách ngày càng đổi mới của Đảng và Nhà nước luôn đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là những người bị hàm oan trong tố tụng hình sự như tôi. Tuy nhiên, với sức chịu đựng của con người cũng có giới hạn, vì tuổi tôi cũng đã cao, sức lực ngày càng yếu. Do vậy, tôi chỉ mong các cấp lãnh đạo nhanh chóng xem xét giải quyết cho đúng đạo lý và pháp luật, giải quyết bồi thường thiệt hại khi tôi còn sống mới có ý nghĩa, đừng để như ông Huỳnh Chiếm Phái, đến chết vẫn chưa được bồi thường oan sai. Vì vậy, tôi đã chấp nhận kết quả thương lượng với VKSND tỉnh Khánh Hòa, đã nhận với số tiền bồi thường khiêm tốn để an yên cuộc sống...”, ông Trần Bê cho biết.

Trường hợp yêu cầu bồi thường của gia đình ông Phái do có nhận thức áp dụng khác nhau trong việc xác định thời điểm nhận được quyết định đình chỉ dẫn đến cách tính thiệt hại với con số khác biệt. Theo đó, ông Hoạnh yêu cầu bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất từ ngày ông Phái bị tạm giam (17/12/1981) đến ngày nhận bản photo quyết định đình chỉ điều tra (10/12/2009); thiệt hại về vật chất do sức khỏe của ông Phái bị xâm phạm; thiệt hại về tinh thần,... tổng cộng 4.409.045.272 đồng.

Sau nhiều lần thương lượng, VKSND tỉnh Khánh Hòa chỉ đồng ý bồi thường với số tiền  474.452.515 đồng. Không đồng ý, ông Huỳnh Chiếm Hoạnh là con đại diện theo ủy quyền của những người thừa kế của ông Phái, đã khởi kiện yêu cầu VKSND tỉnh Khánh Hòa bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Theo đó, ông Hoạnh yêu cầu bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất từ ngày ông Phái bị tạm giam (17/12/1981) đến ngày nhận bản photo quyết định đình chỉ điều tra (10/12/2009); thiệt hại về vật chất do sức khỏe của ông Phái bị xâm phạm; thiệt hại về tinh thần tổng cộng số 4.409.045.272 đồng. Tháng 5/2021,TAND tỉnh Khánh Hòa thụ lý vụ kiện này.

VKS phải bồi thường trên 1,6 tỉ đồng

Sau nhiền lần hoãn phiên tòa, ngày 10/3, TAND tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án trên. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đại diện VKSND tỉnh với tư cách là bị đơn và Kiểm sát viên với tư cách thực hiện kiểm sát hoạt động tố tụng xét xử đều có chung quan điểm, chỉ chấp nhận bồi thường 474.452.515 đồng như nội dung Biên bản thương lượng bất thành lần hai với số tiền 474.452.515 đồng (bao gồm các khoản: thiệt hại do thu nhập thực tế  bị  là 133.506.153 đồng; thiệt hại về tinh thần  222.416.382  đồng; các chi phí khác là 118.530.000 đồng. VKS không đồng ý bồi thường thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm do chưa đủ căn cứ. 

Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định đối với khoản thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất, ông Phái bị tạm giam từ ngày 17/12/1981 đến 10/02/1983 nhưng VKSND tỉnh vẫn tính bồi thường đến khi có quyết định đình chỉ điều tra với số tiền là 133.506.153 (ngày 25/9/1984) là có lợi cho ông Phái. Ông Hoạnh yêu cầu bồi thường đến ngày 10/12/2009 là không phù hợp với quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước và văn bản liên quan. Tòa chấp nhận đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần từ sau ngày 10/02/1983 đến 10/12/2009 (ngày ông Phái nhận được bản photo quyết định đình chỉ điều tra của VKSND tỉnh Phú Khánh) với số tiền 1.285.463.000 đồng.

Tòa cũng ghi nhận thỏa thuận của hai bên về việc bồi thường các chi phí khác với số tiền 118.530.000 đồng. Tòa không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm do không có căn cứ. Với nhận định trên, Hội đồng xét xử đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc VKSND tỉnh Khánh Hòa phải bồi thường cho những người thừa kế của ông Phái mà ông Hoạnh đại diện tổng cộng 1.659.726.425 đồng.

Thực tế, ông Phái và gia đình không nhận được quyết định đình chỉ điều tra của VKSND tỉnh Phú Khánh. Mặt khác VKS  không chứng minh được đã tống đạt quyết định này vào năm 1984. Trong một thời gian dài (15 năm - từ năm 1984 đến 2009), ông Phái không nhận được quyết định đình chỉ điều của VKSND tỉnh Phú Khánh. Do ông Phái và gia đình có đơn khiếu nại, các cơ quan báo chí phản ánh, đến tháng 12/2009, VKS vẫn không giao được quyết định bản chính cho ông mà chỉ lập biên bản xác định ông bị oan, chỉ cung cấp cho ông bản photo quyết định đình chỉ. Do đó, nhận thấy tháng 12/2009 là thời điểm ông Phái nhận biết được quyết định đình chỉ điều tra, là thời điểm có văn bản chính thức của VKS tỉnh Khánh Hoà xác định ông Phái người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải giải quyết bồi thường của VKSND tỉnh Khánh Hòa.

Trong nhiều năm, VKSND Tối cao và các cơ quan trung ương cũng có nhiều văn bản yêu cầu VKSND tỉnh Khánh Hoà xem xét, báo cáo giải quyết đơn khiếu nại của ông Phái và ông Trần Bê. Ông Phái đã chết năm 2015 thì vợ con của ông là người thừa kế tố tụng, có quyền yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước.

Trong vụ kiện này, VKSND tỉnh Khánh Hòa là bị đơn đã ủy quyền cho một Kiểm sát viên đại diện tham gia tố tụng là đại diện; đồng thời phân công cho một Kiểm sát viên thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng và tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm của VKS về việc giải quyết vụ án. Việc ủy quyền và phân công Kiểm sát viên hoàn toàn phù hợp với quy định.

VKSND Khánh Hòa xin lỗi ông Trần Bê, người bị hại trong vụ án oan sai.

Từ thực tiễn giải quyết bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cho thấy trường hợp Tòa án hoặc VKS là cơ quan có trách nhiệm bồi thường là bị đơn, đồng thời là cơ quan người tiến hành tố tụng phải xử chính mình có đảm bảo tính khách quan, công bằng cần phải tổng hợp từ thực tiễn, bởi đối với loại án bồi thường trách nhiệm của nhà nước cho thấy người bị thiệt hại trong tố tụng luôn luôn yếu thế trong hành trình khởi kiện. Đây là vấn đề tố tụng dân sự trong tương lai gần có có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ

Hướng dẫn kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự, hành chính