/ Pháp luật - Tiêu dùng
/ Khi nào được ủy quyền cho doanh nghiệp quyết toán thay?

Khi nào được ủy quyền cho doanh nghiệp quyết toán thay?

17/03/2021 13:11 |

(LSVN) - Để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cũng như tránh những vi phạm không đáng có thì thời điểm sắp đến hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân người nộp thuế cần biết một số thông tin về ủy quyền quyết toán thuế.

Ảnh minh họa.

Theo đó, căn cứ tại điểm d.2, khoản 6, Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, người lao động cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, người lao động trả thu nhập được quy định cụ thể như sau:

Người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, người lao động trả thu nhập thực hiện việc quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm.

Trường hợp người lao động là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới theo quy định tại điểm d.1 khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì người lao động được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức mới.

Cụ thể, điểm d.1 khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã quy định:

Tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế và quyết toán thay cho các cá nhân có ủy quyền do tổ chức, cá nhân trả thu nhập chi trả, không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới do tổ chức cũ thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc tổ chức cũ và tổ chức mới trong cùng một hệ thống thì tổ chức mới có trách nhiệm quyết toán thuế theo ủy quyền của cá nhân đối với cả phần thu nhập do tổ chức cũ chi trả và thu lại chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động (nếu có).

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân trả thu nhập chỉ thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân đối với phần thu nhập từ tiền lương, tiền công mà cá nhân nhận được từ tổ chức, cá nhân trả thu nhập. Trường hợp tổ chức chi trả sau khi thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp và thực hiện quyết toán thuế theo ủy quyền của người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ sang thì tổ chức mới có trách nhiệm quyết toán thuế đối với cả phần thu nhập do tổ chức cũ chi trả.

Ngoài ra, người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, người lao động trả thu nhập thực hiện việc quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỉ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

Với cách làm hồ sơ, thủ tục ủy quyền quyết toán thuế, thứ nhất là hoàn thiện hồ sơ ủy quyền. Theo đó, khoản 2 Điều 16 Thông tư 156/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC, người lao động chuẩn bị hồ sơ ủy quyền gồm các giấy tờ: Mẫu ủy quyền theo mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN; Bản chụp hóa đơn, chứng từ chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học (nếu có).

Sau khi hoàn thiện hồ sơ, người lao động nộp lại hồ sơ của mình cho các tổ chức, cá nhân trả thu nhập.

Trên thực tế khi kế toán doanh nghiệp thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân thì sẽ chủ động đưa mẫu giấy ủy quyền quyết toán thuế cho người lao động, sau đó người lao động chỉ cần điền thông tin, ký và ghi rõ họ tên.

TRẦN MINH 

Giảm 10% phí cấp phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự

Lê Minh Hoàng