Cụ Bùi Cần (sinh ngày 04/3/1919), quê quán xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trú quán tại số 50, đường Minh Tân, khối Tân Tiến, phường Hưng Bình, TP. Vinh, Nghệ An. Từ tháng 10/1936 đến 7/1945 cụ Bùi Cần làm công nhân Nhà máy xe lửa Trường Thi, Vinh - Bến Thủy, thuộc Pháp; tháng 8/1945 - 5/1947 công nhân Nhà máy xe lửa Lạng Sơn; tháng 6/1947 làm thợ sản xuất vũ khí xưởng quân giới Liên Khu 3-4.
Cụ là người tham gia Cách mạng trước tháng Tám 1945, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 23/3/1949. Năm 1950 - 1954, làm Ủy viên chấp hành Công đoàn tỉnh Hà Tĩnh. Cuối năm 1954 làm cán bộ tổ chức Lâm trường Hương Sơn. Năm 1956 đến năm 1965, làm Phó Quản đốc đường goòng Hà Tĩnh, cuối năm 1965 đến tháng 7/1974 làm Quản đốc Xưởng cơ khí đường goòng Hà Tĩnh. Tháng 8/1974, cụ Bùi Cần về nghỉ hưu. Tháng 11/1979, cụ Bùi Cần qua đời.

Ông Bùi Xuân Chính cho rằng Văn bản trả lời của Thành ủy Vinh thiếu trách nhiệm với đảng viên hoạt động cách mạng đã mất.
Cụ được Đảng, nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Cụ có sáng kiến dùng ô tô chạy trên đường ray tàu hỏa (đường goòng) chở vũ khí trang bị, lương thực, thực phẩm ra chiến trường trong thời kỳ chiến tranh phá hoại ở miền Bắc ác liệt nhất, nên cụ được tặng Huy hiệu dũng sĩ giao thông vận tải.
Năm 2011 (sau 32 năm cụ Bùi Cần chết), ông Bùi Xuân Chính làm hồ sơ gửi Đảng ủy phường Hưng Bình, TP. Vinh, Nghệ An đề nghị công nhận ông Cần là người hoạt động Cách mạng trước năm 01/01/1945.
Ông Chính căn cứ vào các Quyết định của Bộ Giao thông Vận tải, phiếu khai cá nhân của ông Bùi Cần để lại và Giấy chứng thực của cụ Hồ Tư Chính (sinh năm 1912) và cụ Lê Tiến (sinh năm 1919) cùng quê ở xã Đức Tùng, cùng làm công nhân Nhà máy Trường Thi, Vinh - Bến Thủy, thuộc Pháp với cụ Bùi Cần. Hai cụ đều đảng viên, cán bộ lão thành cách mạng.
Trong giấy xác nhận của cụ Hồ Tư Chính và cụ Lê Tiến được UBND xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh chứng thực, ghi: “Tháng 12/1943, cụ Bùi Cần, Đội trưởng Đội tự vệ đỏ cùng anh em trong Đội bảo vệ cụ Huỳnh Thúc Kháng diễn thuyết tại Nhà máy xe lửa Trường Thi, Vinh - Bến Thủy. Cụ Bùi Cần một thanh niên sớm giác ngộ cách mạng, hăng hái đấu tranh, được anh em tin tưởng. Có lần cụ Bùi Cần định ám sát tên đốc công Pháp, khi nó đến kiểm tra, giả vờ làm sai động tác để tay quay đánh chết nó. Nhưng sự việc bất thành cụ bị chúng bắt đày ra nhà tù Lạng Sơn".
Cụ Nguyễn Minh Sự 50 tuổi Đảng, khối Tân Tiến phường Hưng Bình, TP. Vinh, xác nhận: “Ngày 18/8/1974, cụ Bùi Cần về sinh hoạt Chi bộ xóm Minh Tân, (nay khối Tân Tiến) phường Hưng Bình cùng chúng tôi. Lúc đó tôi làm Chi ủy viên, Chi bộ do tôi phụ trách, lý lịch Đảng cụ Bùi Cần do Đảng ủy phường Hưng Bình quản lý”.
Năm 2001, ông Bùi Xuân Chính đến Đảng ủy phường Hưng Bình xin lại hồ sơ, lý lịch đảng viên của cụ Bùi Cần. Sau thời gian tìm hồ sơ lưu trữ, ngày 15/9/2004, ông Hồ Ngọc Hòa, Phó Bí thư Đảng ủy phường Hưng Bình là người trực tiếp quản lý hồ sơ đảng viên của Đảng bộ trả lời ông Bùi Xuân Chính: “Đồng chí Bùi Cần nghỉ hưu, chuyển sinh hoạt Đảng về Chi bộ xóm Minh Tân, (nay khối Tân Tiến) năm 1974. Năm 1979, đồng chí Cần qua đời, hồ sơ Đảng không còn lưu trữ tại phường nữa, đã chuyển hồ sơ, lý lịch Đảng của cụ Bùi Cần lên Thành ủy Vinh theo quy định. Kính đề nghị tổ chức Đảng, Nhà nước các cấp xét cho đồng chí Bùi Cần được hưởng quyền lợi theo quy định".
Theo hướng dẫn của Đảng ủy phường Hưng Bình, ông Chính lên gặp Ban Tổ chức Thành ủy Vinh. Ông Trần Hoàng, Phó Ban Tổ chức Thành ủy Vinh trả lời: “Hồ sơ đồng chí Bùi Cần, Ban Tổ chức đã tìm trong hồ sơ đảng viên lưu tại Thành ủy Vinh nhưng không có. Đề nghị các cấp tạo điều kiện để gia đình đồng chí Cần làm chế độ theo quy định”.
Ngày 13/9/2012, Thành ủy Vinh có Văn bản số 1107/CV/Th.U, do Chánh Văn phòng Nguyễn Văn Lư ký trả lời ông Chính: “Đảng ủy phường Hưng Bình xác nhận hồ sơ đảng viên Bùi Cần đã chuyển lên cấp trên quản lý do đồng chí Hồ Ngọc Hòa, Phó Bí thư Đảng ủy ký là không có căn cứ. Bởi vì theo quy định của Trung ương, Đảng viên chuyển sinh hoạt về địa phương thì toàn bộ hồ sơ Đảng do Đảng ủy các phường, xã quản lý. Sau khi đảng viên từ trần, Đảng ủy các phường, xã có trách nhiệm lập danh sách, niêm phong các hồ sơ, làm biên bản bàn giao và chuyển lên cấp trên quản lý. Tuy nhiên, trong hồ sơ tài liệu tại kho lưu trữ Thành ủy Vinh không có giấy tờ chứng minh Đảng ủy phường Hưng Bình đã bàn giao hồ sơ đảng viên từ trần về Thành ủy quản lý”.
07 năm sau, ngày 03/10/2019, Thành ủy Vinh có Công văn số 2486CV/Th.U gửi Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, cũng do ông Nguyễn Văn Lư ký, lúc này ông Lư là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Vinh, có nội dung báo cáo giải quyết đơn thư: “Vấn đề ông Chính phản ánh Thành ủy làm mất hồ sơ lý lịch đảng viên của ông Bùi Cần: Theo quy định của Trung ương, đảng viên chuyển sinh hoạt về địa phương thì toàn bộ hồ sơ do Đảng ủy các phường, xã quản lý. Sau khi đảng viên từ trần, Đảng ủy các phường xã có trách nhiệm lập danh sách niêm phong các hồ sơ, làm biên bản bàn giao và chuyển lên cấp trên quản lý. Tuy nhiên, trong hồ sơ tài liệu tại kho lưu trữ Thành ủy Vinh không có giấy chứng minh Đảng ủy phường Hưng Bình đã bàn giao hồ sơ đảng viên từ trần về Thành ủy để quản lý, và trong mục lục hồ sơ đảng viên cũng không có hồ sơ có tên Bùi Cần. Thành ủy Vinh đã có Công văn trả lời ông Chính vấn đề này".
Mặt khác, theo tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ quản lý đảng viên do Ban Tổ chức Trung ương ban hành tháng 5/1995, tại phần II về quản lý hồ sơ đảng viên (điểm 2, Điều 6) mục D, điểm 2 quy định về kiểm tra, phân loại và thanh lý hồ sơ đảng viên không còn giá trị sử dụng hướng dẫn như sau:
- Cán bộ quản lý hồ sơ đảng viên ở cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở Đảng, hàng năm vào cuối năm kiểm tra, phân loại hồ sơ của đảng viên do cấp ủy trực tiếp quản lý và cấp ủy cơ sở gửi lên, báo cáo lãnh đạo ban tổ chức xin ý kiến cấp ủy về những tài liệu và hồ sơ đảng viên không còn giá trị như: Hồ sơ đảng viên bị chết (đã lưu giữ 03 năm) nếu không có gì vướng mắc… Cấp ủy kiểm tra và đồng ý thì Ban Tổ chức lập biên bản và tiến hành bằng nghiền giấy…
Nếu Đảng ủy phường Hưng Bình có nộp hồ sơ về Thành ủy Vinh và Thành ủy thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương thì những hồ sơ đảng viên đã từ trần trước năm 1995 mà không có vướng mắc sẽ thực hiện hủy theo quy định. Như vậy, không thể kết luận Thành ủy Vinh làm mất hồ sơ đảng viên.
Ông Bùi Xuân Chính yêu cầu Thành ủy Vinh và ông Nguyễn Văn Lư cung cấp cho ông Văn bản báo cáo lãnh đạo của Ban Tổ chức xin ý kiến cấp ủy hủy hồ sơ lý lịch Đảng viên của cụ Bùi Cần và biên bản tiến hành thanh lý hồ sơ lý lịch Đảng của cụ Bùi Cần. Đến nay đã 07 năm, Thành ủy Vinh không cung cấp cho ông Bùi Xuân Chính 02 Văn bản này.
Ông Bùi Xuân Chính hỏi ý kiến của những người có kinh nghiệm làm công tác Đảng, đa số ý kiến cho rằng hồ sơ lý lịch đảng viên cụ Bùi Cần do Đảng ủy phường Hưng Bình quản lý. Làm mất hồ sơ, lý lịch Đảng của cụ Bùi Cần do công tác quản lý hồ sơ Đảng ủy phường Hưng Bình có sai phạm, cần phải xử lý nghiêm túc, theo kỷ luật của Đảng, không thể trên dưới đổ lỗi cho nhau. Như thế là vi phạm nguyên tắc của Đảng, Đảng bộ phường Hưng Bình thuộc Thành ủy Vinh, Thành ủy Vinh có trách nhiệm làm rõ việc mất hồ sơ lý lịch của đảng viên, Thành ủy Vinh phải tổ chức kiểm tra, xác minh việc làm mất hồ sơ lý lịch đảng cụ Bùi Cần, quy rõ trách nhiệm, xử lý tổ chức Đảng, đảng viên sai phạm. Việc trả lời đối phó như vậy là thiếu trách nhiệm với đảng viên. Nếu Thành ủy Vinh xử lý có tinh thần trách nhiệm với đảng viên có thể khôi phục hồ sơ lý lịch Đảng cho cụ Bùi Cần, để khỏi thiệt thòi quyền lợi.
Bức xúc với cách giải quyết của Thành ủy Vinh, ông Bùi Xuân Chính gửi đơn lên các cơ quan Đảng ở Trung ương và địa phương. Ngày 26/7/2023, Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an có Văn bản chuyển đơn đến Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ An xem xét giải quyết. Ngày 25/8/2023, Ban Tổ chức Trung ương có Vản bản chuyển đơn đến Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An xem xét. Ngày 03/10/2023, Ban Nội chính Trung ương có Văn bản số 5052-CV/BNCTW chuyển đơn tới Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An. Các văn bản trên đều chuyển về cho Thành ủy Vinh. Nhưng cho đến nay, Thành ủy Vinh không chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

Đảng ủy xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh quê hương của cụ Bùi Cần công nhận cụ Bùi Cần đảng viên hoạt động Cách mạng trước năm 1945, đã hy sinh, từ trần chưa được xem xét “công nhận”.
Luật sư Nguyễn Huy Khang, Trưởng Văn phòng Luật sư Huy Khang, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An cho rằng các quy định, hướng dẫn của Đảng về quản lý hồ sơ đảng viên đã rõ. Đảng ủy phường Hưng Bình và Thành ủy Vinh có trách nhiệm làm rõ việc làm mất hồ sơ lý lịch Đảng của cụ Bùi Cần. Những cá nhân, tổ chức làm mất hồ sơ lý lịch Đảng cụ Bùi Cần phải được xử lý vì hồ sơ lý lịch đảng viên được quản lý theo hồ sơ mật. Tỉnh ủy Nghệ An cần đôn đốc, kiểm tra Thành ủy Vinh thực hiện đúng với quy định, hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đảng, để gia đình đảng viên khỏi thiệt thòi. Việc các tổ chức Đảng để ông Bùi Xuân Chính, con đảng viên Bùi Cần 20 năm liên tục đi tìm hồ sơ lý lịch Đảng của bố không một cấp nào giải quyết là chưa làm đầy đủ trách nhiệm.
Theo Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 20/9/2016 của Ban Bí thư về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng, tại điểm 8.2, mục a ghi rõ, hồ sơ đảng viên phải được tổ chức Đảng quản lý chặt chẽ theo chế độ bảo mật. Như vậy, làm mất hồ sơ, lý lịch đảng viên là làm mất tài liệu mật của Đảng.
Mục đ, điểm 8.2 ghi, hồ sơ khi đảng viên từ trần, hoặc bị đưa ra khỏi Đảng thì cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức Đảng cơ sở quản lý.
Mục b, điểm 8.3 Hướng dẫn 01-HD/TW của Trung ương Đảng cũng ghi, khi một đảng viên từ trần cần phải thực hiện các thủ tục sau:
- Ghi nhận thông tin vào sổ đảng viên từ trần.
- Cấp ủy cơ sở quản lý hồ sơ đảng viên viết phiếu đảng viên đã từ trần chuyển giao cùng hồ sơ đảng viên đã từ trần lên cấp ủy cấp trên trong thời hạn 30 ngày làm việc từ khi lập phiếu báo.