/ Kết nối
/ Khiếu nại, giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện

Khiếu nại, giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện

12/04/2023 09:32 |

(LSVN) - Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán, người khởi kiện có quyền khiếu nại đến Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp xem xét, giải quyết.

Ảnh minh họa.

Theo quy định của pháp luật, khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện vụ án hành chính (VAHC), trong thời hạn 03 ngày, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Thẩm phán được phân công xem xét, xử lý đơn khởi kiện, nghiên cứu những tài liệu, chứng cứ mà người khởi kiện nộp kèm theo đơn khởi kiện trong thời hạn 03 ngày. Sau đó, Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện sẽ ra một trong các quyết định: Chuyển đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền; yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; trả lại đơn khởi kiện cùng toàn bộ hồ sơ giấy tờ người khởi kiện đã nộp; thụ lý đơn khởi kiện VAHC.

Thẩm phán ban hành thông báo trả lại đơn khởi kiện trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015, gồm:

- Người khởi kiện không có quyền khởi kiện. Đối với trường hợp này có thể hiểu quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện không trực tiếp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.

- Người khởi kiện không có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ.

- Trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khởi kiện, nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó như: Yêu cầu trước khi khiếu kiện đến Tòa án về danh sách cử tri người khởi kiện phải thực hiện việc khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

- Sự việc mà người khởi kiện yêu cầu đã được giải quyết bằng một quyết định hoặc một bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Người khởi kiện không có yêu cầu gì khác so với yêu cầu đã được giải quyết trước đó.

- Sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (những quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước, trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật; các quyết định, hành vi trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng, hay những quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức).

- Người khởi kiện lựa chọn việc giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại trong trường hợp quy định tại Điều 133 Luật này.

- Đơn khởi kiện không đủ các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 mà người khởi kiện không tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung đơn khởi kiện trong thời hạn 10 ngày mà Tòa án yêu cầu.

Hết thời hạn 10 ngày kể từ ngày được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí mà người khởi kiện không nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện không  thuộc các trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí,không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có lý do chính đáng về lý do không xuất trình biên lai tạm ứng án phí đúng thời hạn.

Khiếu nại và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo trả lại đơn khởi kiện, nếu xét thấy việc trả lại đơn không đúng căn cứ pháp luật nêu trên, thì người  khởi kiện có quyền khiếu nại đến Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện, yêu cầu Tòa án thụ lý đơn khởi kiện.

Việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị phải được tiến hành bằng phiên họp có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có khiếu nại (Điều 124), thủ tục giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện tiến hành công khai, minh bạch ( theo khoản 2 Điều 124 Luật TTHC năm 2015):

Ngay sau khi nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Luật Tố tụng hành chính năm 2015 không quy định Thẩm phán đã trả lại đơn khởi kiện thì không được giải quyết khiếu nại; tuy nhiên, để bảo đảm tính khách qua, Chánh án TAND Tối cao đã hướng dẫn nên phân công cho Thẩm phán khác xem xét, giải quyết (Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của TAND Tối cao).

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Phiên họp này có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có khiếu nại. Trường hợp người khởi kiện, Kiểm sát viên vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc trả lại đơn khởi kiện, ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát và người khởi kiện có khiếu nại tại phiên họp, Thẩm phán phải ra một trong các quyết định: Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện và thông báo cho người khởi kiện,Viện kiểm sát cùng cấp. Nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán, người khởi kiện có quyền khiếu nại đến Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp xem xét, giải quyết.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp phải ra một trong các quyết định: Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện; Yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.

Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp là quyết định cuối cùng. Quyết định này phải được gửi ngay cho người khởi kiện, Viện Kiểm sát cùng cấp, Viện Kiểm sát đã kiến nghị và Tòa án đã ra quyết định trả lại đơn khởi kiện.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Một số ý kiến đóng góp về phân loại và định giá đất

Bùi Thị Thanh Loan