Ảnh minh hoạ.
Tại báo cáo đánh giá tác động của các chính sách trong Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay chưa có quy định về việc đăng ký lao động nên quản lý lao động còn hạn chế, nhất là đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động.
Lực lượng lao động cả nước có 52,5 triệu người, tuy nhiên, mới có trên 17,489 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội được Bảo hiểm xã hội Việt Nam thu thập, tổng hợp, cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội, khoảng 35 triệu lao động (chiếm 2/3 lực lượng lao động cả nước) chưa được thu thập, nắm thông tin về tình trạng lao động, việc làm.
Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với Bộ Công an và các địa phương tổ chức thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác (hiện nay, đã thu thập dữ liệu khoảng 34,1 triệu lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).
Do đó, đăng ký lao động nhằm quản lý nguồn lao động; xây dựng và hoạch định các chính sách về việc làm; tạo thuận lợi cho người lao động trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách về hỗ trợ tạo việc làm, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, tư vấn, giới thiệu việc làm; đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước về việc làm.
Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở dữ liệu người lao động kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thuế, bảo hiểm xã hội ... sẽ tạo đột phá cho cả hệ thống chính trị, trước hết là hệ thống hành chính, tạo môi trường công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước, quản trị xã hội, phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tốt hơn.
PV