/ Tin thế giới
/ Khởi động phân phối vaccine Covid-19 theo cơ chế COVAX

Khởi động phân phối vaccine Covid-19 theo cơ chế COVAX

03/02/2021 08:00 |

(LSVN) - COVAX, cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine phòng Covid-19 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng nhằm mua và phân phối vaccine cho các nước nghèo, đã chính thức khởi động.

Ảnh minh họa.

Tunisia và Palestine là 2 nước đầu tiên được cung cấp vaccine phòng Covid-19 theo chương trình tiếp cận vaccine COVAX của WHO.

Dự kiến, Palestine sẽ nhận được 37.000 liều vaccine phòng Covid-19 do Pfizer/BioNTech sản xuất từ giữa tháng 2, trong khi Tunisia sẽ nhận được 93.600 liều.

Cơ chế COVAX là một trong những sáng kiến đa phương nhằm bảo đảm việc sẵn có vaccine cho người dân trên toàn thế giới. COVAX được đồng lãnh đạo bởi Gavi, Tổ chức Y tế Thế giới và Liên minh Đổi mới sẵn sàng ứng phó đại dịch (CEPI). Hơn 70 nước giàu đã cam kết tham gia kế hoạch phân bổ vaccine Covid-19 toàn cầu này. Các công ty sản xuất vaccine tham gia vào cơ chế COVAX bao gồm Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZenca.

WHO xác nhận cơ chế COVAX đã cung cấp một số lượng nhất định vaccine Covid-19 tới hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trong cuối tuần qua. Tuy nhiên, việc phân phối sẽ còn phụ thuộc vào nhu cầu của nước giàu.

Trong cuối tuần qua và đầu tuần này, thông tin COVAX bắt đầu cung cấp vaccine giá rẻ đã dấy lên sự phấn khởi ở nhiều nước.

Tại Đông Nam Á, người dân Philippines và Indonesia không giấu sự vui mừng trước việc sắp được nhận hàng triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech và AstraZeneca.

Theo Bộ Ngoại giao Philippines, nước này sẽ nhận được 5 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 thông qua cơ chế COVAX. Lô vaccine đầu tiên dự kiến sẽ tới nước này trong quý I/2021. Indonesia sẽ nhận từ 13,7 đến 23,1 triệu liều vaccine AstraZeneca thông qua COVAX, chia thành hai giai đoạn phân phối.

Philippines là ổ dịch lớn thứ hai tại Đông Nam Á với hơn 1 triệu bệnh nhân và hơn 10.000 ca tử vong. Nước này dự kiến bắt đầu tiêm chủng trong tháng 02/2021.

Philippines ban đầu sẽ tiếp nhận 117.000 liều vaccine của Pfizer/BioNTech từ giữa tháng và 5,5 triệu đến 9,3 triệu liều vaccine của AstraZeneca. Chính phủ nước này đặt mục tiêu bảo đảm được 148 triệu liều vaccine để tiêm cho khoảng 70 triệu dân trong năm 2021, tương đương 2/3 dân số.

Cơ chế COVAX sẽ bàn giao 35,3 triệu liều vaccine ngừa bệnh Covid-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca cho 36 quốc gia ở Mỹ Latin và Caribe từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 6 tới.

Trong thông báo của mình, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) thuộc WHO cho biết khu vực châu Mỹ cần tiêm chủng cho khoảng 500 triệu người mới có thể kiểm soát đại dịch Covid-19. WHO sẽ hoàn tất việc xem xét đưa vaccine của AstraZeneca vào Quy trình danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) trong một vài ngày. Theo PAHO, số lượng vaccine và lịch trình bàn giao vẫn còn tùy thuộc EUL và năng lực sản xuất của sản xuất.

PAHO cũng cho biết trong 36 quốc gia sẽ nhận được vaccine của AstraZeneca, có 4 nước gồm Bolivia, Colombia, El Salvador và Peru cũng sẽ nhận được tổng cộng 377.910 liều vaccine của hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech từ giữa tháng 2 tới.

Tuần trước, GAVI cho biết đặt mục tiêu cung cấp 2,3 tỉ liều vaccine trên toàn thế giới vào cuối năm 2021, trong đó có 1,8 tỉ liều vaccine miễn phí dành cho nước có thu nhập thấp hơn. GAVI dự kiến sẽ công bố chi tiết về việc phân bổ vaccine theo từng quốc gia trong ngày 01/02.

Theo Hãng tin AFP, tính tới ngày 02/02, hơn 100 quốc gia trên thế giới vẫn chưa thể bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 cho người dân. Lý do rất đa dạng: từ khó khăn về nguồn tài chính, các thủ tục quản lý hành chính phức tạp, thậm chí quan liêu, và cả tâm lý chưa tin tưởng của người dân vào độ an toàn của vaccine.

THANH HÀ

Chuyên gia Anh cảnh báo một biến thể mới đáng lo ngại

Lê Minh Hoàng