/ Dọc đường tố tụng
/ Khởi tố bị can 14 đối tượng liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên

Khởi tố bị can 14 đối tượng liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên

05/01/2021 18:16 |

(LSVN) - Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tiến hành điều tra vụ án Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, ngày 12/12/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 14 bị can về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong đó, có 09 bị can bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm:

Các bị can bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.


1. Đặng Văn Tập, nguyên Phó Giám đốc Thường trực Ban Quản lý dự án TISCO; 

2. Đồng Quang Dương, nguyên Phó Giám đốc, kiêm Thư ký dự án TISCO;

3. Nguyễn Trọng Khôi, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS);

4. Trịnh Khôi Nguyên, nguyên Trưởng phòng Đầu tư phát triển VNS;

5. Đỗ Xuân Hòa, nguyên Kế toán trưởng TISCO;

6. Lê Thị Tuyết Lan, nguyên Phó phòng Kế toán - Thống kê - Tài chính TISCO;

7. Uông Sỹ Bính, nguyên Phó phòng Kế toán - Thống kê - Tài chính TISCO;

8. Nguyễn Văn Tráng, nguyên Ủy viên Ban kiểm soát VNS;

9. Đặng Thúc Kháng, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị, kiêm Trưởng Ban kiểm soát VNS. Riêng bị can Đặng Thúc Kháng áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giam.
 

Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí
1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Riêng bị can Đặng Thúc Kháng áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giam.


Đồng thời, có 05 bị can bị khởi tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, gồm:
 

05 bị can bị khởi tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.


1. Lê Phú Hưng, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị VNS;

2. Nguyễn Minh Xuân, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị VNS;

3. Nguyễn Chí Dũng, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị TISCO;

4. Hoàng Ngọc Diệp, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị TISCO;

5. Đoàn Thu Trang, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị TISCO.

Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh nêu trên đúng quy định pháp luật.

HỒNG HẠNH

/khi-nao-phien-toa-duoc-xet-xu-kin.html