/ Luật sư trực ban
/ Khởi tố Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Lỗ hổng trong công tác quản lý tài sản công

Khởi tố Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Lỗ hổng trong công tác quản lý tài sản công

22/10/2021 10:43 |

(LSVN) - Việc khởi tố một loạt các cán bộ cao cấp trong lĩnh vực y tế, giáo sư, tiến sĩ, những người có chuyên môn rất cao trong ngành y tế, những người đứng đầu bệnh viện lớn tại Việt Nam là câu chuyện hết sức đau lòng cho ngành y tế, thiệt hại nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế. Điều này cho thấy đang có những lỗ hổng trong công tác quản lý tài sản công, thiếu sự kiểm tra giám sát đối với hoạt động đấu thầu dẫn đến vi phạm, thất thoát tài sản nhà nước

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Chiều 21/10, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, cho tại ngoại đối với ông Nguyễn Quang Tuấn (54 tuổi, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", theo Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015.

Cùng tội này, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Đảng (45 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Hoàng Nga).

Hoạt động tố tụng trên diễn ra trong quá trình điều tra mở rộng vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị liên quan.

Cùng ngày, Ban cán sự đảng Bộ Y tế cũng đã họp, thống nhất và Bộ trưởng Y tế đã có quyết định đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Quang Tuấn cho đến khi có kết luận của cơ quan điều tra.

Kết quả điều tra bước đầu xác định một số lãnh đạo, cán bộ tại Bệnh viện Tim Hà Nội là Ủy viên Hội đồng mua sắm, thành viên tổ chuyên gia đấu thầu, thành viên tổ thẩm định đấu thầu và một số cán bộ Công ty trên đã có các hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội.

Trong đó, ông Nguyễn Quang Tuấn đã ký một số văn bản có liên quan. Theo Bộ Công an, sai phạm của các bị can làm tăng chi phí, gây thiệt hại hơn 40 tỉ đồng cho tài sản Nhà nước và người bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của công tác khám chữa bệnh, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Vụ án xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội nằm trong giai đoạn điều tra, xác minh tin báo tố giác về một số hành vi có dấu hiệu tội phạm trong việc thực hiện đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, theo quy định của pháp luật thì hành vi mua sắm máy móc, thiết bị y tế phải thực hiện thông qua hình thức đấu thầu, một số trường hợp thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về chỉ định thầu. Tất cả các trình tự, thủ tục, căn cứ phải tuân theo quy định của luật đấu thầu và các văn bản pháp luật có liên quan.

Hành vi vi phạm quy định về đấu thầu như thông thầu, không công khai minh bạch, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu là các hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định các hành vi vi phạm về đấu thầu sau đây gây thiệt hại cho nhà nước từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc thiệt hại dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

- Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;

- Thông thầu;

- Gian lận trong đấu thầu;

- Cản trở hoạt động đấu thầu;

- Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;

- Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;

- Chuyển nhượng thầu trái phép.

Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây thất thoát tài sản của nhà nước, làm mất niềm tin của người dân đối với cán bộ, làm suy thoái đạo đức cán bộ và bất bình đẳng trong xã hội.

Thực tiễn hoạt động tố tụng trong thời gian gần đây cho thấy các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì số tiền thất thoát của nhà nước rất lớn, rất ít vụ án mà số tiền thiệt hại dưới 1.000.000.000 đồng, thiệt hại về tài sản có thể hàng chục tỉ đồng phải kéo theo đó rất nhiều cán bộ bị khởi tố, bị bắt giam, uy tín của cán bộ, của cơ quan tổ chức bị giảm sút, làm suy giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền.

“Đối với Bệnh viện Bạch Mai liên tục hai giám đốc bệnh viện kế tiếp bị khởi tố là câu chuyện hết sức đau lòng đối với ngành y nói riêng và đối với xã hội nói chung”, Luật sư Cường bày tỏ.

Cũng theo Luật sư Cường, trường hợp vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng mà thiệt hại đối với nhà nước từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất được quy định tại khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Trong giai đoạn điều tra vụ án, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của từng bị can, làm rõ phương thức thủ đoạn phạm tội, làm rõ hậu quả và trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan, làm cơ sở để truy tố và xét xử đối với các bị can trước pháp luật. Hình phạt cụ thể đối với từng bị cán sẽ phụ thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Luật sư Cường cũng đánh giá: “Dù vụ án có diễn biến theo hướng nào chăng nữa thì việc khởi tố một loạt các cán bộ cao cấp trong lĩnh vực y tế, giáo sư, tiến sĩ, những người có chuyên môn rất cao trong ngành y tế, những người đứng đầu bệnh viện lớn tại Việt Nam là câu chuyện hết sức đau lòng cho ngành y tế, thiệt hại nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế. Điều này cho thấy đang có những lỗ hổng trong công tác quản lý tài sản công, thiếu sự kiểm tra giám sát đối với hoạt động đấu thầu dẫn đến vi phạm, thất thoát tài sản nhà nước”.

Trước đó nhiều cán bộ, lãnh đạo trong ngành y tế bị khởi tố, nhiều cơ sở y tế để xảy ra những vụ án hình sự đã cho thấy đạo đức cán bộ nói chung và cán bộ trong ngành y tế nói riêng có biểu hiện suy thoái, vi phạm đạo đức, lối sống.

Qua đó, cần hoàn thiện chính sách pháp luật, sửa đổi pháp luật, bịt kín các khe hở trong công tác quản lý kinh tế, tránh các vụ việc tương tự có thể xảy ra. Lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ đúng tiêu chuẩn, không những có chuyên môn giỏi mà còn phải có đạo đức tốt. Người lãnh đạo phải là người có trình độ quản lý, am hiểu pháp luật và biết tuân thủ pháp luật. Đồng thời cần phải tăng cường công tác quản lý kinh tế, quản lý tài sản công, giám sát hoạt động đấu thầu để tránh những vụ việc đáng tiếc như những vụ án này, Luật sư Cường kiến nghị.

DUY ANH

Vì sao Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn bị khởi tố?

Lê Minh Hoàng