(LSVN) - Ngày 05/02, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Sáng, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai và ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai. Các quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai phê chuẩn.
Theo đó, ông Phạm Văn Sáng bị khởi tố để điều tra về tội "Vi phạm quy định đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ông Nguyễn Quang Tuấn bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hiện lực lượng chức năng đã tiến hành các bước tố tụng, bắt tạm giam 04 tháng và khám xét nơi ở của ông Nguyễn Quang Tuấn. Quá trình khám xét, ông Phạm Văn Sáng không có mặt tại nơi ở và nơi cư trú. Cơ quan chức năng đang truy tìm ông Sáng để phục vụ công tác điều tra.
Được biết, qua giám định đối với hai dự án “Nhân rộng mô hình sản xuất rau, quả trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP” và “Nhà màng nông nghiệp”, cơ quan chức năng xác định, quá trình triển khai thực hiện đã gây thất thoát cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 27 tỉ đồng. Thời điểm xảy ra sai phạm, cá nhân ông Phạm Văn Sáng với cương vị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai và ông Nguyễn Quang Tuấn là Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai chịu trách nhiệm chính.
Trước đó, tháng 7/2020, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phạm Văn Sáng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai.
Theo kết luận của Ban Bí thư, trong thời gian giữ cương vị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai, ông Phạm Văn Sáng đã vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng và phẩm chất đạo đức, lối sống, nêu gương, những điều Đảng viên không được làm; vi phạm các quy định về công tác cán bộ; cố ý làm trái, vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Nhà nước trong đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công và đầu tư, xây dựng cơ bản, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.
Tội "Vi phạm quy định đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" được quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2017 như sau:
Điều 224. Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Quyết định đầu tư xây dựng không đúng quy định của Luật Xây dựng; b) Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, điều chỉnh dự toán, nghiệm thu công trình sử dụng vốn của Nhà nước trái với quy định của Luật Xây dựng; c) Lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng; d) Dàn xếp, thông đồng làm sai lệch kết quả lập dự án, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, xây dựng công trình. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. 3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
NGỌC NHI
Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng hoạt động nhằm lật đổ chính quyền