Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường Quốc hội.
Sáng 11/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường Quốc hội.
Tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn TP. HCM) hỏi: Thứ nhất, đề nghị Bộ trưởng cho biết đánh giá về bước đầu, ưu điểm, hạn chế của chương trình học giáo dục thay đổi sách giáo khoa (SGK) mới đối với lớp 1, 2 và lớp 6? Thứ hai, hiện nay, các cấp học đang vào đợt kiểm tra giữa kỳ bằng hình thức trực tuyến. Bộ trưởng có chỉ đạo gì về giải pháp chung của ngành để đảm bảo kết quả kiểm tra thực chất và đảm bảo sự công bằng bài thi giữa các học sinh?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Hồng Hạnh về ưu điểm của SGK mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói cho biết, chúng ta được nghe nói và biết nhiều qua các phương tiện thông tin đại chúng về “sỏi và sạn”. Cứ có một viên sạn thì mạng nói rất nhiều, nhưng trong đó là sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo, các nhà khoa học thì rất ít ai nói đến, liệu có công bằng?
"Vừa rồi, chúng tôi có tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá về việc một năm triển khai SGK mới phối hợp với Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội cho thấy, ý kiến của các cô giáo trực tiếp dạy cho lớp 1 phản ánh rằng, với SGK mới được thiết kế theo chương trình 2018 thì các cô rất hứng thú trong việc dạy với tính mở. SGK là công cụ, các cô được chủ động hơn thì thầy cô hứng thú hơn. Điều này, cho thấy chủ trương của chương trình giáo khoa 2018 theo hướng “từ trang bị kiến thức chuyển sang phát triển năng lực của học sinh” là một hướng đi đúng. Nghị quyết 88 của Quốc hội là đúng đắn, trong việc đổi mới chương trình phổ thông. Người dạy hào hứng hơn.
Qua đánh giá, học sinh lớp 1 chủ động hơn, khả năng đọc viết năng động hơn. Đánh giá cả chương trình phổ thông chỉ qua một lớp 1 thì cũng chưa đánh giá được nhiều, nhưng đây là dấu hiệu để chúng ta quyết tâm tiếp tục con đường đổi mới mà chúng ta đã chọn. Không chỉ vì “một vài viên sỏi, viên sạn” mà chúng ta nghi ngờ cả một chủ trương rất lớn của Đảng, Quốc hội, ngành Giáo dục", Bộ trưởng Kim Sơn cho biết.
Sau phần trả lời của “tư lệnh” ngành giáo dục, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) đã giơ biển tranh luận.
Đại biểu nêu vấn đề: “Bộ trưởng khẳng định chương trình giáo dục phổ thông mới là đúng hướng, là tốt. Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả chương trình thì bắt buộc phải qua SGK, nhưng SGK trong 2 năm qua đưa vào áp dụng đại trà mới chỉ từ quy trình rút gọn, chỉ dạy thử nghiệm 10% số tiết học không dựa trên phạm vi hẹp như SGK trước đây. Bộ trưởng đã có nghiên cứu khách quan, tổng kết việc triển khai SGK mới trong thời gian vừa qua?”.
Trả lời phần tranh luận, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, SGK đang biên soạn và sử dụng để phục vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. So với SGK trong chương trình cũ trước đây, SGK mới có sự khác nhau về tính chất và về cách thức sử dụng.
Hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có tính chất là chỗ dựa và là yêu cầu để kiểm tra, đánh giá. SGK hiện được xem là học liệu và là một căn cứ để có thể xã hội hóa và triển khai được nhiều bộ sách khác nhau.
Theo quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bất kỳ tài liệu nào dù là học liệu được đưa vào giảng dạy trong nhà trường cũng phải đạt đến chuẩn mực, có tính sư phạm và tính khoa học. SGK là tài liệu thì việc thực nghiệm thiên về đánh giá giáo viên sử dụng thế nào, thực hành ra sao để thực hiện chương trình. Đây là một trong những nội dung rất quan trọng. Còn về mặt khoa học, đúng sai thì trách nhiệm thuộc về Hội đồng thẩm định Quốc gia”.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư 33 trước sửa đổi không nêu tỉ lệ thực nghiệm SGK là bao nhiêu phần trăm. Sau khi Thông tư 33 đang được sửa đổi để nhằm tăng cường chất lượng, Bộ đã nêu cụ thể thực nghiệm tối thiểu 10%, 15%, 20% cho các SGK, với dung lượng và đặc điểm khác nhau. Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang lấy y kiến về vấn đề này.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá ý kiến của Đại biểu Đoàn Bình Định là rất quan trọng, Bộ sẽ xem xét để hoàn thiện Thông tư 33 trước khi ký ban hành.
PV
Chính thức quản lý giá trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm