Ảnh minh họa.
Có thể bị phạt đến 01 triệu đồng nếu không có mặt theo giấy triệu tập
Cụ thể, đối với hành vi vi phạm quy định về sự có mặt theo Giấy triệu tập, tại Điều 11, Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 1.000.000 đồng đối với người tham gia tố tụng đã được triệu tập mà vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho hoạt động tố tụng.
Đối với hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ, tại khoản 2, Điều 13, Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 quy định, phạt tiền từ 1.000.000 đồng - 7.000.000 đồng đối với người tham gia tố tụng làm giả hoặc hủy hoại chứng cứ gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án, vụ việc.
Ngoài ra, khoản 5, Điều 13, Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 cũng quy định mức phạt từ 30.000.000 đồng - 40.000.000 đồng áp dụng đối với Luật sư lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực buộc người bị hại khai báo gian dối hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động giải quyết vụ án không đúng pháp luật bị phạt đến 40 triệu đồng
Bên cạnh đó, Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 cũng quy định cụ thể hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.
Cụ thể, tại Điều 20, Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 quy định về hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 20.000.000 đối với người nào bằng ảnh hưởng của mình có hành vi tác động dưới bất kỳ hình thức nào với Thẩm phán, thành viên Hội đồng xét xử nhằm làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không khách quan, không đúng pháp luật.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng - 30.000.000 đối với người nào lợi dụng quan hệ lệ thuộc để thực hiện hành vi trên.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng - 40.000.000 đối với người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trên.
Quy định mức phạt hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp
Ngoài ra, Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 nêu rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 500.000 đồng đối với hành vi: Sử dụng điện thoại, tạo các tạp âm hoặc có hành vi khác gây mất trật tự tại phiên tòa; không đứng dậy khi Hội đồng xét xử đi vào phòng xử án, khi Hội đồng xét xử tuyên án; mặc trang phục không nghiêm túc, đội mũ, đeo kính màu trong phòng xử án mà không có lý do chính đáng và không được sự đồng ý của chủ tọa...
Phạt tiền từ 500.000 đồng – 1.000.000 đồng với hành vi: Không chấp hành kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa; hỏi, trình bày ý kiến khi chưa được chủ tọa đồng ý; gây rối tại phòng xử án…
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng - 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Lôi kéo, xúi giục, kích động người khác gây mất trật tự, gây rối tại phòng xử án; mang đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu hoặc tài liệu, đồ vật khác vào phòng xử án ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa, trừ vật chứng của vụ án phục vụ cho công tác xét xử hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được người có thẩm quyền mang theo để làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa; cố ý ngắt hệ thống chiếu sáng, âm thanh, ghi âm, ghi hình ảnh hưởng đến phiên tòa.
Pháp lệnh quy định phạt tiền từ 7.000.000 đồng - 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào phòng xử án; mang vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy hoặc chất độc vào phòng xử án, trừ vật chứng của vụ án phục vụ cho công tác xét xử hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được người có thẩm quyền mang theo để làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa; ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính, không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự…
TRẦN VŨ
Bộ Công an lấy ý kiến góp ý đối với 5 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng cháy và chữa cháy