Đặc sản bánh cuốn Thanh Trì
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là sạp hàng bán bánh cuốn Thanh Trì được làm bằng tre nứa mang đậm dấu ấn làng quê xưa. Ở đây đang “trình diễn” quy trình làm bánh cuốn Thanh Trì truyền thống, có nhiều phụ huynh và trẻ nhỏ vây quanh, chăm chú dõi theo người làm bánh cuốn.
Được biết, ngày 05/01/2024, UBND TP. Hà Nội đã cấp Bằng công nhận làng nghề bánh cuốn Thanh Trì, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai đạt danh hiệu LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG HÀ NỘI. Hôm nay, chúng tôi tận mắt chứng kiến quy trình làm bánh cuốn Thanh Trì truyền thống, mới thấy món ăn đặc sản đất Hà thành này cũng lắm công phu.
Bánh cuốn làm theo truyền thống là xay bột gạo bằng cối đá xay tay ăn ngon và mềm mỏng hơn nhiều so với bánh cuốn đang bán ngoài thị trường. Bánh cuốn ở đây còn có thêm nước mắm vị cà cuống xưa, làm những người thuộc thế hệ 7X như chúng tôi nhớ lại thời bao cấp đã từng ăn bánh cuốn chấm nước mắm cà cuống.
Gần 14 giờ, quầy bánh cuốn vẫn đông khách. Người đến thưởng thức có, khách trải nghiệm xay bột có, người giơ điện thoại chụp ảnh kỷ niệm… Không gian tựa như ngày hội làng quê xưa.
Chị Loan, là người dân gốc làng Thanh Trì cũng là người đang tráng bánh cuốn mỏng tang chia sẻ: “May là có cái vườn này, một không gian rộng rãi, thoáng mát, khách đến tham quan đông đúc nên chúng tôi mới có đất để trổ tài, làm cuốn gia truyền đúng nghĩa, có gian hàng để thực khách đến trải nghiệm thưởng thức hương vị bánh cuốn thực sự ngày trên đất làng nghề của chúng tôi”.
Sau khi thưởng thức món bánh cuốn Thanh Trì truyền thống, chúng tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi đi bộ hành quanh Vườn nhà Bà.
Bỏ xa những ồn ào náo nhiệt, khói bụi của đất Hà thành, chúng tôi lạc vào một không gian xanh mát rượi của vườn cây, ao cá. Hàng trăm cây bưởi chi chít quả chín vàng trĩu cành; vườn mướp rắn, quả dài gần 1m như những con rắn màu xanh treo mình trên giàn; luống rau xu hào, cải xanh và nấm trắng,… trồng theo tiêu chuẩn OCOP, khách có thể yên tâm mua về sử dụng hoặc làm quà hoặc cho người thân.
Con đường bê tông nhỏ dẫn chúng tôi đến vườn nhãn với hàng trăm cây nhãn già. Dưới những gốc cây nhãn già có tuổi đời lâu năm là những lều vải phục vụ cho khách nghỉ trưa. Không gian tĩnh mịch, mát lạnh, tiếng chim hót trên những ngọn nhãn làm cho khung cảnh càng thêm thi vị.
Chị chủ vườn cho biết, mỗi năm Vườn nhà Bà thu hoạch hàng chục tấn quả nhãn và bưởi. Khách hàng rất thích thú khi cho con và người thân đến đây trải nghiệm hái nhãn tại vườn.
Không chỉ có bưởi và nhãn, Vườn nhà Bà còn trồng rất nhiều cây ăn trái khác như: Mít, xoài, bơ. Ngoài cây ăn trái, ở đây còn trồng nhiều loại rau sạch và nấm quý như nấm Hoàng, nấm Linh Chi, mộc nhĩ…
Khi được hỏi về cách chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm cây trồng trong vườn, chủ nhà vườn chia sẻ: “Để có được khu vườn như thế này, chúng tôi phải chăm sóc rất tỉ mỉ. Với số lượng người chăm sóc vườn trên dưới 20 người, chúng tôi phân công mỗi người quản lý một khu vực khác nhau, chia công việc vệ sinh chăm bón. Việc tiêu thụ sản phẩm thì không cần phải mang ra chợ bán như ngày trước. Hiện tại, khách hàng đến Vườn rất thích phong cảnh ở đây và mua sản phẩm ở đây về làm quà cho gia đình”.
Trong khi Hà Nội đang thiếu điểm vui chơi cho trẻ em, nhiều cháu sa đà vào trò chơi điện tử trên điện thoại, thì Vườn nhà Bà thật sự là nơi mà các bậc phụ huynh rất thích thú khi cho em mình đến đây chơi các trò chơi dân gian và trải nghiệm công việc trồng rau sạch, nuôi cá,… của người nông dân đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Câu chuyện đi thăm một khu vườn trong thành phố khép lại, khi chúng tôi ra về vẫn trăn trở bởi những tâm sự, chia sẻ của của người chủ vườn: “Mặc dù chưa có lợi nhuận, nhưng tôi vẫn quyết tâm kiên trì, giữ lại khu vương này. Bao tâm huyết mang lại một không gian xanh, sạch, đẹp cho mọi người đến thăm quan, tâm huyết lưu giữ làng nghề truyền thống. Chúng tôi đã lập Đề án trên danh nghĩa là một doanh nghiệp gửi lên UBND phường Thanh Trì và UBND quận Hoàng Mai.
Hy vọng được chính quyền chấp thuận để Đề án của chúng tôi được đóng góp một phần trong việc giữ gìn làng nghề, giữ gìn không gian xanh, bảo vệ thủ đô xanh, sạch, đẹp”.
Quảng bá sản phẩm làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, Đề án “Xây dựng mô hình bảo tồn, lưu giữ sản phẩm làng nghề bánh cuốn Thanh Trì gắn với quảng bá, giới thiệu du lịch sinh thái trải nghiệm” phù hợp với định hướng chỉ đạo của Trung ương và điều kiện của Hà Nội theo chương trình chỉ đạo số 04 của thành ủy Hà Nội và kế hoạch số 49 của UBND TP. Hà Nội trong việc tạo điều kiện kiến tạo môi trường, triển khai các hoạt động hỗ trợ các chủ thể sản xuất kinh doanh làng nghề hình thành và phát triển các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm, góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố.
Được biết, từ nhiều năm nay, chính quyền quận Hoàng Mai rất ủng hộ mô hình bảo tồn, lưu giữ sản phẩm làng nghề bánh cuốn Thanh Trì.
Một lãnh đạo UBND phường Thanh Trì cho biết: “Đây là phương án sử dụng hiệu quả nhất đối với quỹ đất công thuộc bãi sông Hồng, giải quyết triệt để nạn lấn chiếm đất bãi ven sông Hồng, các vi phạm trật tự xây dựng và cải thiện vệ sinh môi trường đang rất ô nhiễm. Dự án sẽ tận dụng được quỹ đất lớn, biến diện tích đất chưa sử dụng thành những không gian xanh, các công trình quảng bá văn hóa làng nghề một cách chủ động, phục vụ nhu cầu vui chơi, sinh hoạt, thể dục thể thao của người dân”.