/ Nhịp cầu doanh nghiệp
/ Không ngăn sông cấm chợ, tiếp tục duy trì sản xuất

Không ngăn sông cấm chợ, tiếp tục duy trì sản xuất

05/01/2021 18:01 |

(LSO) - Chính phủ vẫn đồng ý cho nhà máy, phân xưởng hoạt động nhưng yêu cầu phải có biện pháp phòng chống lây lan dịch bệnh, vừa đáp ứng yêu cầu chống dịch, vừa đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, về sản xuất, về kinh tế xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó nêu rõ các biện pháp quyết liệt, đồng bộ. Tuy nhiên, việc cách ly trong xã hội không phải là chuyện “ngăn sông, cấm chợ”, không phải ngăn cấm giao thông, không phải hạn chế sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cần thiết, không phải là dừng các công trình xây dựng mà quan trọng là bảo đảm an toàn cho công nhân, người lao động.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chính phủ vẫn đồng ý cho nhà máy, phân xưởng hoạt động nhưng yêu cầu cán bộ văn phòng, cơ quan hành chính Nhà nước, doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng dẫn chứng ngay như Văn phòng Chính phủ hiện đã quyết định cho 50% cán bộ với khoảng hơn 300 người làm việc ở nhà. Nhưng người bắt buộc đến công sở cũng phải đảm bảo ngồi cách nhau 2 m, khi ăn mỗi người một bàn.

Lý giải vì sao chưa ban hành lệnh phong tỏa khi dịch đang diễn biến phức tạp, ông Dũng nhấn mạnh Chính phủ vẫn đang kiểm soát được tình hình, vì vậy, vẫn cần phải đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, về sản xuất, về kinh tế xã hội. Khi kiểm soát được thì không nên đóng cửa ngay lập tức, vì có những tỉnh chưa có dịch, hoặc có nhưng họ đã khoanh vùng và kiểm soát được.

Đáp ứng mọi hoạt động giao dịch thiết yếu

Để thực hiện Chỉ thị số 16, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã ban hành Công điện số 03/CĐ-NHNN; trong đó chỉ đạo cụ thể các đơn vị thuộc hệ thống NHNN và các ngân hàng thương mại (NHTM) bố trí cán bộ làm việc tại nhà và duy trì một bộ phận làm việc tại cơ quan.

Vì ngành ngân hàng là loại hình dịch vụ, phục vụ doanh nghiệp và người dân với nhu cầu thiết yếu về tiền mặt và thanh toán nên vẫn phải bố trí cán bộ làm việc tại các trụ sở để đáp ứng yêu cầu đó - Phó Thống đốc Đào Mạnh Tú khẳng định.

Theo đó, hoạt động cung ứng tiền mặt và hệ thống thanh toán trong nền kinh tế vẫn phải được NHNN duy trì, đáp ứng đầy đủ cho lưu thông, đảm bảo thông suốt mạch máu của nền kinh tế. Cùng đó, đối các NHTM, mọi hoạt động giao dịch thiết yếu như gửi tiền, rút tiền, thanh toán chuyển tiền, các hoạt động dịch vụ ngân hàng trực tuyến online, máy ATM vẫn được bố trí phục vụ bình thường trong 15 ngày tới.

Phó Thống đốc Đào Mạnh Tú chia sẻ, NHNN đã giao cho lãnh đạo các NHTM thông báo với chính quyền địa phương cho phép các chi nhánh, phòng giao dịch được mở cửa hoạt động bình thường. Vì vậy, doanh nghiệp và người dân không nhất thiết phải rút tiền để dự phòng trong thời gian cách ly toàn xã hội bởi vẫn thực hiện dịch vụ thanh toán tiền mặt khi có nhu cầu cần thiết một cách bình thường.

Trước đó, NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các NHTM về việc xây dựng phương án, kịch bản nhằm đối phó với mọi diễn biến của dịch COVID-19. Vì vậy, việc triển khai các hoạt động phục vụ này không nằm ngoài các phương án, kịch bản đã có để đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, thông suốt.

Các trung tâm đăng kiểm duy trì hoạt động

Trước thông tin một số trung tâm đăng kiểm sẽ dừng hẳn hoạt động đến 15/4, trao đổi với phóng viên, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội, các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc vẫn phải mở cửa để kiểm định với các trường hợp xe phục vụ nhu cầu cấp bách, cần thiết, chẳng hạn như xe cấp cứu, thuốc men, cứu hỏa, phòng chống thiên tai, vận chuyển lương thực, thực phẩm… Cùng đó, trung tâm đăng kiểm phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 đối với người của đơn vị và khách hàng.

Để thống nhất nội dung trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc đảm bảo duy trì hoạt động dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong thời gian cách ly xã hội, từ 1/4 - 15/4/2020, để phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới bố trí nhân lực để duy trì hoạt động kiểm định ở mức tối thiểu nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách, cần thiết của người dân và xã hội. Trong quá trình kiểm định, cần tăng cường triển khai các biện pháp nghiêm ngặt để phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay,  ngày 31/3,  Cục đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị đăng kiểm thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, sáng 1/4, một số đơn vị đăng kiểm thông báo dừng hẳn việc tiếp nhận đăng kiểm xe ô tô, việc này không đúng với tinh thần chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Công bố khung giờ hoạt động phù hợp

Trước đó, trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc một số siêu thị; trong đó có siêu thị Co.opmart đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã chính thức bác bỏ thông tin này và cho biết hệ thống siêu thị vẫn hoạt động bình thường để phục vụ nhu yếu phẩm cho người dân.

Theo đó, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmiles trên cả nước vẫn hoạt động bình thường. Thậm chí, một số siêu thị thuộc Saigon Co.op còn mở cửa sớm từ 7giờ 30 sáng đến tận 22 giờ để có thể phục vụ nhu yếu phẩm cho người dân và hạn chế tình trạng tập trung đông người.

Riêng các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food hoạt động tại những khu vực có nhu cầu mua sắm cao còn chủ động điều chỉnh kéo dài thêm thời gian mở cửa phù hợp để người dân yên tâm mua sắm, không bị dồn vào khung giờ cao điểm. Đồng thời, Saigon Co.op cũng khuyến khích người dân đặt hàng qua điện thoại sẽ được siêu thị giao hàng tận nhà.

Nhằm đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu cung cấp cho thị trường, Saigon Co.op đã có phương án tăng trữ lượng hàng hóa tăng cao so với thông thường. Mặt khác, nhà bán lẻ này cũng tiến hành khử trùng toàn bộ cơ sở vật chất, thường xuyên đo thân nhiệt, bố trí nước rửa tay diệt khuẩn khắp siêu thị, khuyến khích giữ khoảng cách khi mua sắm, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả khách và nhân viên. Do đó, người dân có thể an tâm mua sắm mà không lo bị thiếu lương thực và hàng hóa thiết yếu trong thời gian tới.

Cùng ngày, công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đã quyết định cho toàn bộ nhân viên trong hệ thống văn phòng và chi nhánh trên toàn quốc làm việc tại nhà từ ngày 28/3 đến 15/4.

Kể từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Saigontourist đã nhanh chóng có những chỉ đạo quyết liệt và cụ thể nhằm bảo vệ sức khỏe của khách hàng và nhân viên. Hiện Saigontourist đã backup dữ liệu, kết nối bằng các ứng dụng chat để công việc không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, Saigontourist đã chuẩn bị tình huống dự phòng và thông báo đến toàn bộ nhân viên để có sự chuẩn bị cho trường hợp làm việc tại nhà 100% như hiện nay.

/viet-nam-sang-giai-doan-mat-dau-f0-ca-nuoc-hay-o-yen-tai-cho.html
/chung-ta-da-buoc-sang-giai-doan-3-cua-cuoc-chien-chong-dich-covid-19-2.html

Thành Đạt(VGP)