Thời gian gần đây, nhiều người dân bày tỏ lo ngại khi cho rằng mọi khoản tiền được chuyển vào tài khoản cá nhân đều có thể bị cơ quan thuế kiểm tra và tính thuế thu nhập cá nhân. Một số ý kiến trên mạng xã hội thậm chí cho rằng “cứ có tiền chuyển vào tài khoản là sẽ bị truy thu thuế”.
Theo đại diện Cục Thuế (Bộ Tài chính), đây là cách hiểu chưa đúng với quy định pháp luật hiện hành. Cơ quan này khẳng định, chỉ những khoản có bản chất là thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung cấp dịch vụ mới phát sinh nghĩa vụ thuế. Những khoản tiền chuyển nhận giữa các cá nhân như cho - tặng, hỗ trợ người thân, vay mượn dân sự, hay các giao dịch không liên quan đến hoạt động thương mại, không được tính vào doanh thu để xác định thuế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Bên cạnh đó, ngành thuế chỉ áp dụng biện pháp kiểm tra, xác minh khi có dấu hiệu trốn thuế từ hoạt động kinh doanh, không nhắm đến các khoản thu nhập dân sự.
Đại diện Cục Thuế cho biết thêm, quy định pháp luật hiện hành chỉ yêu cầu các hộ kinh doanh thuộc diện sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng thì phải lập hóa đơn, kể cả khi người mua không lấy hóa đơn. Trường hợp không lập hóa đơn, các hộ kinh doanh sẽ bị xử lý truy thu, xử phạt và có thể bị xác định là hành vi trốn thuế. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không áp dụng với các cá nhân không kinh doanh, hoặc những giao dịch dân sự thông thường giữa người dân với nhau.
Việc quản lý thuế hiện nay áp dụng phương pháp phân tích dữ liệu kết hợp quản lý theo dòng tiền để phát hiện hành vi cố tình che giấu doanh thu, đặc biệt trong các trường hợp cơ sở kinh doanh yêu cầu khách chuyển khoản nhưng ghi sai nội dung giao dịch, hoặc chỉ nhận tiền mặt. Dù cơ quan thuế không được phép trực tiếp truy cập tài khoản cá nhân, nhưng thông qua dữ liệu trao đổi với ngân hàng, các cơ quan nhà nước và tổ chức liên quan theo quy định pháp luật, ngành thuế hoàn toàn có khả năng xác định doanh thu thật sự để tính đúng, tính đủ nghĩa vụ thuế.
Theo quy định tại Luật Thuế Thu nhập cá nhân và Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, nhiều khoản thu nhập của cá nhân, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh được miễn thuế trong một số trường hợp cụ thể.
Cụ thể, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa các đối tượng thân thích như vợ chồng, cha mẹ với con cái, ông bà với cháu, anh chị em ruột... được miễn thuế. Bất động sản là tài sản chung vợ chồng được phân chia khi ly hôn cũng thuộc diện miễn thuế nếu được xác định là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân và phân chia theo thỏa thuận hoặc phán quyết của tòa án.
Thu nhập từ chuyển nhượng duy nhất một nhà ở hoặc một thửa đất ở (bao gồm nhà hoặc công trình gắn liền) cũng được miễn thuế nếu cá nhân chỉ có một tài sản đó, đã sở hữu từ 183 ngày trở lên tính đến thời điểm chuyển nhượng, và chuyển nhượng toàn bộ tài sản.
Người chuyển nhượng phải tự khai, tự chịu trách nhiệm về việc miễn thuế, và sẽ bị truy thu, xử phạt nếu kê khai không đúng.
Cá nhân cũng được miễn thuế thu nhập từ quyền sử dụng đất được Nhà nước giao không thu tiền, hoặc được giảm tiền sử dụng đất theo quy định pháp luật. Nếu sau đó chuyển nhượng, vẫn phải kê khai và nộp thuế theo hướng dẫn tại Thông tư.
Ngoài ra, thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa người thân như vợ chồng, cha mẹ con, ông bà, cháu nội/ngoại, anh chị em ruột cũng được miễn thuế.
Một số trường hợp khác cũng được miễn thuế gồm: thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp để hợp lý hóa sản xuất nhưng không thay đổi mục đích sử dụng; thu nhập từ sản xuất nông, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chưa chế biến hoặc chỉ sơ chế.
Các khoản thu nhập từ lãi tiền gửi tại ngân hàng, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, lãi trái phiếu Chính phủ; thu nhập từ kiều hối; tiền làm đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn quy định; lương hưu; học bổng; các khoản bồi thường (bảo hiểm, tai nạn lao động, bồi thường Nhà nước...); khoản nhận từ quỹ từ thiện, viện trợ nước ngoài vì mục đích nhân đạo, cũng thuộc diện miễn thuế.