Kiểm soát rủi ro trong giao dịch dân sự, kinh tế

13/02/2019 17:21 | 5 năm trước

LSVNO - Trong bối cảnh có nhiều tài sản bất minh được đưa vào giao dịch thì chủ thể khi tham gia giao dịch cần phải đặc biệt tỉnh táo, trang bị đầy đủ kiến thức pháp lý để tránh hậu quả bị thu hồi t...

LSVNO - Trong bối cảnh có nhiều tài sản bất minh được đưa vào giao dịch thì chủ thể khi tham gia giao dịch cần phải đặc biệt tỉnh táo, trang bị đầy đủ kiến thức pháp lý để tránh hậu quả bị thu hồi tài sản nếu đối tượng giao dịch sau này được xác định liên quan đến một vụ án hình sự, là tài sản do phạm tội mà có.

Những rủi ro tìm ẩn bên trong quan hệ dân sự, kinh tế ngày nay

Với tốc độ phát triển và giao lưu kinh tế hiện nay thì hàng ngày có vô vàn các giao dịch dân sự, kinh tế được xác lập. Thế nhưng chưa nhiều chủ thể nắm rõ các quy định pháp luật và kỹ năng cần thiết để xác lập và bảo vệ các giao dịch, đảm bảo tối đa quyền sở hữu tài sản của mình. Nói đến việc bảo vệ tài sản không chỉ là các biện pháp cất giữ, quản lý thông thường mà còn phải trang bị các kiến thức, kỹ năng về pháp luật để khi tham gia vào các quan hệ dân sự, kinh tế không rơi vào “bẫy” của các đối tượng lừa đảo trong bối cảnh có rất nhiều tài sản bất minh được đưa vào giao dịch, lưu thông và nhiều vụ án kinh tế được đưa ra xét xử như hiện nay. Với các đối tượng giao dịch, ngoại trừ các tài sản có đăng ký quyền sở hữu thì các tài sản khác chúng ta thường mặc nhiên xác định quyền sở hữu tài sản thuộc về phía đang nắm giữ tài sản thời điểm giao dịch. Nếu đó là tài sản “chính chủ”, hợp pháp thì sẽ không có gì đáng bàn, nhưng trong số đó sẽ có một phần các tài sản giao dịch là tài sản bất minh, tài sản do phạm tội mà có. Khi tài sản đó chưa được cơ quan có thẩm quyền xác định là bất minh thì nó vẫn tự do giao dịch bình thường. Vậy sau khi giao dịch xong, tài sản đó bị xác định là tài sản bất minh, tài sản do phạm tội mà có thì sẽ được xử lý ra sao? Với các tài sản do phạm tội mà có được đưa vào giao dịch thì giao dịch nào được xác định là có hiệu lực, giao dịch nào vô hiệu? Giải pháp kiểm soát rủi ro trong giao dịch dân sự, kinh tế khi cá nhân, doanh nghiệp giao dịch với kẻ gian là gì?

Ảnh minh họa.

Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, giao dịch 

Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện: chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định. Ví dụ, trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó. Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự có quy định khác.

Có thể hiểu các trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu bao gồm vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; vô hiệu do giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác hoặc nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba; vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện, trừ một số trường hợp pháp luật quy định; vô hiệu do bị nhầm lẫn; vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.

Khi một bên trong quan hệ dân sự, kinh tế bị xử lý hình sự thì trách nhiệm dân sự được giải quyết thế nào?

Vậy trường hợp một bên các chủ thể tham gia giao dịch dân sự bị xử lý hình sự và đối tượng của giao dịch là tài sản do chủ thể đó phạm tội mà có, thì giao dịch dân sự đó có tính hợp pháp ra sao và tài sản được xử lý như thế nào? Trường hợp này sẽ căn cứ vào các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nêu trên, đồng thời đối chiếu với các quy định về quyền của chủ sở hữu đối với tài sản để xác định giao dịch có hiệu lực không và chủ thể có quyền đòi lại tài sản hay không. Trong quan hệ dân sự thì về nguyên tắc, pháp luật bảo vệ quyền lợi của của chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác với tài sản. Theo đó, những người này có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Đối với trường hợp người chiếm hữu, người sử dụng tài sản là chiếm hữu ngay tình, nghĩa là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu, thì pháp luật quy định về quyền đòi lại tài sản tại Điều 167 và 168 Bộ luật Dân sự 2015. Theo quy định tại các điều luật này, chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu. Chủ sở hữu cũng có quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình, trừ một số trường hợp nhất định. 

Bên cạnh bảo vệ quyền của chủ sở hữu tài sản, pháp luật cũng quy định bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 nêu trên. Người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự là chủ thể tham gia giao dịch trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, tuân theo các quy định của pháp luật mà không biết và không thể biết đối tượng của giao dịch là tài sản bất minh do chủ sở hữu trước đó xác lập giao dịch dân sự vô hiệu. Trong trường hợp này pháp luật không buộc họ biết về sự việc đó. Cụ thể, người chiếm hữu mà không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật là chiếm hữu ngay tình. Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu và quan hệ giao dịch đó được thực hiện một cách công khai, minh bạch, tài sản được chuyển giao đúng giá trị.

Khi tài sản trong giao dịch dân sự, kinh tế trở thành vật chứng trong vụ án hình sự

Trong những trường hợp tài sản được xác định do phạm tội mà có trong vụ án hình sự thì cơ sở pháp lý của việc thu hồi tài sản này xuất phát từ bản chất của nhóm tội phạm xâm phạm quyền sở hữu. Về nguyên tắc, tài sản bị chiếm đoạt thì phải thu hồi để trả lại cho chủ sở hữu. Việc thu hồi tài sản được giải quyết theo quy định của Bộ luật Hình sự, thủ tục tố tụng hình sự song song với việc áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự, nhằm thực hiện việc thu hồi đúng pháp luật và đảm bảo công bằng. Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Khi xác định là vật chứng vụ án thì theo Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, vật chứng được xử lý như sau: vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy; vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước; vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy. Pháp luật cũng quy định trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Như vậy, đối chiếu cả quy định của Bộ luật Dân sự về quyền đòi lại tài sản và quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thu hồi vật chứng thì về pháp lý, có 2 cách giải quyết: nếu tài sản đó vẫn còn, người chiếm giữ hiện tại không có căn cứ thì phải thu hồi tài sản đó để trả lại cho chủ sở hữu; nếu tài sản không còn nữa, hoặc người chiếm giữ đã chuyển giao tài sản đó cho người thứ ba ngay tình, nói cách khác, tài sản đó đã thuộc về quyền sở hữu của bên thứ ba thì không thể thu hồi được. Như vậy, với trường hợp tài sản thuộc quyền sở hữu khi đối tượng phạm tội thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản đó, sau đó tài sản đó được đối tượng thực hiện hành vi chuyển quyền sở hữu cho bên thứ ba ngay tình bằng giao dịch dân sự hợp pháp, theo quy định pháp luật, tài sản đó không thể thu hồi. 

Xử lý vật chứng vụ án trong vụ án hình sự còn nhiều bất cập

Thời gian qua, có nhiều vụ án lớn về kinh tế có liên quan đến tài sản giao dịch là tài sản bất minh, tài sản do phạm tội mà có, chúng ta có thể phân tích giao dịch dân sự trong một vụ án hình sự để hiểu rõ hơn các quy định pháp luật nêu trên.

Trong vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm, bản án tuyên về phần dân sự như sau: “Buộc Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam phải hoàn trả lại số tiền hai trăm tỷ đồng được xác định là vật chứng vụ án, cho Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam”. Bản án xác định bị cáo Ngô Kim Huệ thông qua hạch toán thu khống để sử dụng trái phép tiền của Ngân hàng. Số tiền này bị cáo chuyển 200 tỷ đồng cho Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) thông qua một giao dịch dân sự hợp pháp cách đây 08 năm bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng. Tòa án xác định đây là tài sản do phạm tội mà có, do đó phải thu hồi từ VNECO để trả lại cho ngân hàng mặc dù phía VNECO cho biết số tiền đó VNECO đã dùng chi trả cho các giao dịch của Tổng công ty, không còn nữa. Đối chiếu với các quy định của pháp luật dân sự và hình sự nêu trên thì có thể thấy, bản án tuyên phần dân sự buộc VNECO trả lại vật chứng là chưa phù hợp với quy định pháp luật. Cụ thể trong giao dịch giữa bị cáo Ngô Kim Huệ và ngân hàng thì VNECO được xác định là người thứ ba ngay tình. VNECO không thể và không biết nguồn tiền bà Huệ chuyển trả cho VNECO lấy từ đâu. Khi VNECO tiếp nhận tiền từ bà Huệ thông qua một giao dịch dân sự có hiệu lực với bà Huệ thì pháp luật sẽ bảo vệ quyền và lợi ích của người thứ ba tham gia giao dịch một cách ngay tình là VNECO, cho dù giao dịch giữa bà Huệ và ngân hàng là vô hiệu. Việc tòa án xác định số tiền 200 tỷ đồng là vật chứng vụ án là không đúng vì vật chứng là những vật chứa đựng dấu vết tội phạm, trong khi đó, số tiền bà Huệ chuyển cho VNECO là tiền chuyển khoản, là nghĩa vụ bà Huệ phải trả cho một giao dịch hợp pháp đã xác lập giữa hai bên. Hơn nữa, vấn đề là sau khi nhận được tiền chuyển khoản của bị cáo Huệ thì VNECO đã chuyển khoản số tiền đó vào các giao dịch của dự án đang tiến hành, đã sử dụng hết số tiền đó rồi, bây giờ trong tài khoản đã không còn số tiền đó nữa, đồng nghĩa với việc vật chứng không còn nữa thì việc thu hồi vật chứng làm sao thực hiện được? Bản án tuyên phần dân sự như trên đã gây thiệt hại cho chủ thể bên thứ ba ngay tình trong quan hệ dân sự. 

Giải pháp giảm thiểu rủi ro khi giao dịch nhầm với “kẻ gian”

Để kiểm soát rủi ro trong giao dịch dân sự, kinh tế, các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự cần phải nắm vững các quy định pháp luật về tài sản, quyền sở hữu tài sản, quyền đòi lại tài sản cũng như các quy định về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình. Bên cạnh đó, trước khi tham gia giao dịch, các chủ thể nên yêu cầu đối tác phải giải trình, cam kết về nguồn gốc của tài sản đưa vào giao dịch là hợp pháp, ghi rõ trong các văn bản, hợp đồng được xác lập. Khi nhận được tài sản thì các chủ thể phải thực hiện ngay biện pháp bảo vệ tài sản như đưa vào lưu thông. Trường hợp giao dịch đã xác lập và chủ thể được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự vì liên quan đến tài sản đã giao dịch với đối tượng phạm pháp thì phải có động thái bảo vệ quyền lợi của mình ngay từ giai đoạn đầu; tránh trường hợp khi vụ việc xảy ra không có ý kiến, cơ quan tố tụng đã thực hiện các bước xác định vật chứng nhưng không khiếu nại, đến khi bản án có hiệu lực pháp luật thì việc khiếu nại lại mất thời gian và hệ lụy là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của cá nhân, doanh nghiệp.

Trong bối cảnh có nhiều tài sản bất minh được đưa vào giao dịch thì chủ thể khi tham gia giao dịch cần phải đặc biệt tỉnh táo, trang bị đầy đủ kiến thức pháp lý để tránh hậu quả bị thu hồi tài sản nếu đối tượng giao dịch sau này được xác định liên quan đến một vụ án hình sự, là tài sản do phạm tội mà có.

 

Ths.LS Đặng Văn Cường