/ Thư viện pháp luật
/ Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ thuộc Bộ Quốc phòng

Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ thuộc Bộ Quốc phòng

14/09/2021 08:11 |

(LSVN) - Bộ Quốc phòng đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định việc thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thuộc Bộ Quốc phòng.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ Quốc phòng, để bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với các cơ quan, đơn vị thuộc quyền theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc ban hành Thông tư quy định về thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thuộc Bộ Quốc phòng là hết sức cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều này sẽ góp phần đấu tranh, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, xây dựng quân đội trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, làm nền tảng vững chắc cho xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Dự thảo nêu 4 nguyên tắc của việc kê khai, công khai, lưu giữ bản kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập gồm:

- Người có nghĩa vụ kê khai tự giác báo cáo người chỉ huy có thẩm quyền để đăng ký kê khai bổ sung khi có biến động tài sản, thu nhập trong năm từ 300 triệu đồng trở lên.

- Cơ quan nhân sự thường xuyên theo dõi, kịp thời cập nhật thông tin biến động quân số, đề bạt, bổ nhiệm để báo cáo người chỉ huy có thẩm quyền trong việc lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai; đồng thời thông báo cho cơ quan kiểm soát tải sản, thu nhập. Tổ chức kê khai, công khai, thu nộp, quản lý bản kê khai theo các quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư này.

- Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.

- Bản kê khai là một tài liệu được lưu trong hồ sơ của cán bộ, nhân viên; khi người có nghĩa vụ kê khai được điều động sang đơn vị khác thì bản kê khai của người đó phải được chuyển giao cùng hồ sơ cho đơn vị mới. Khi người có nghĩa vụ kê khai thôi phục vụ tại ngũ, thôi phục vụ quân đội thì bản kê khai của người đó được lưu giữ theo quy định về quản lý hồ sơ của cán bộ, nhân viên.

Dự thảo quy định những hành vi bị nghiêm cấm như:

- Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời; tẩu tán tài sản, che giấu tài sản, thu nhập dưới mọi hình thức, gây khó khăn, cản trở việc xác minh tài sản, thu nhập.

- Khai thác, sử dụng trái pháp luật bản kê khai; cố ý làm sai lệch nội dung, hủy hoại bản kê khai làm sai lệch hồ sơ, kết quả xác minh tài sản, thu nhập.

- Lợi dụng việc công khai bản kê khai kết luận xác minh tài sản, thu nhập để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của người xác minh, người được xác minh hoặc để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Dự thảo cũng quy định tài sản, thu nhập phải kê khai là tài sản, thu nhập hiện có thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người kê khai, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên theo quy định của pháp luật của người có nghĩa vụ kê khai được quy định tại Điều 35 Luật Phòng, chống tham nhũng.

MINH HIỀN

Tiếp tục cải cách tư pháp: Những vấn đề về lý luận

Lê Minh Hoàng