(LSO) - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa ban hành Công văn số 3284/LĐTBXH-TE gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang xin ăn. Theo đó, các địa phương cần xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền khi để tái diễn tình trạng ngườai lang thang xin ăn trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi.
Thời gian qua, bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác bảo trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tại một số địa phương vẫn còn tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi bị lợi dụng, ép buộc lang thang xin ăn trên đường phố, nơi có mật độ giao thông cao, các điểm du lịch, gây mất trật tự an ninh xã hội, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em.
Do đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 3284/LĐTBXH-TE gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công văn về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang xin ăn.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em và pháp luật về trợ giúp xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cụ thể:
Các địa phương cần tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, hành động của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa, không để tình trạng bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang xin ăn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các địa phương có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận các tin báo, tố giác và chuyển các trường hợp trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn không có nơi cư trú ổn định vào các khu cách ly phòng dịch Covid-19, sau đó phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn kiểm tra, làm rõ tình hình sức khỏe của đối tượng, bảo đảm chắc chắn không nhiễm SARS-CoV-2 thì chuyển về cơ sở trợ giúp xã hội. Trường hợp đối tượng nhiễm SARS-CoV-2 thì phối hợp ngay với cơ sở y tế tại địa phương để thực hiện các biện pháp cách ly và điều trị theo quy định.
Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu các địa phương xác minh nhân thân, hoàn cảnh của đối tượng để đưa đối tượng trở về gia đình, cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi đối tượng cư trú để thực hiện chính sách trợ giúp xã hội phù hợp; yêu cầu gia đình, người thân có cam kết không để tái diễn tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn trên đường phố, nơi công cộng.
Bộ cũng đề nghị các cơ quan LĐ-TB&XH, Công an và các cơ quan chức năng địa phương tiến hành ngay việc kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng, dụ dỗ, môi giới, ép buộc, trục lợi trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn.
Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ trẻ em, bảo đảm quyền của các đối tượng yếu thế và pháp luật về trợ giúp xã hội; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương khi để tái diễn tình trạng người lang thang xin ăn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi; kịp thời xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự tới các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
LINH NHI