/ Đời sống - Xã hội
/ Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học

Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học

15/03/2021 22:51 |

(LSVN) - Ban Dân nguyện kiến nghị tạo Bộ Giáo dục và Đào làm rõ việc cho sử dụng điện thoại trong lớp học như là thiết bị hỗ trợ hoạt động học có được coi là chính sách chung không? Nếu là chính sách chung thì phải áp dụng thống nhất trong cả nước.

Ảnh minh họa.

Vào chiều ngày 15/3, trong Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét có đề cập đến việc sử dụng điện thoại di động trong lớp học.

Về việc sử dụng điện thoại di động trong lớp học được quy định tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó quy định về các hành vi học sinh không được làm: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép” (khoản 4, Điều 32).

Ngay sau khi Thông tư số 32 được ban hành, cử tri 08 địa phương (Quảng Bình, Hà Nội, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bạc Liêu, An Giang, Long An) đã kiến nghị cần xem xét, sửa đổi vì không phù hợp với thực tiễn.

Trả lời cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Về cơ bản, việc sử dụng điện thoại trong lớp học vẫn là hành vi bị cấm. Việc sử dụng điện thoại trong lớp học với mục đích học tập của học sinh là khai thác các lợi thế kết nối của các thiết bị thông minh góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học.

Bộ đã yêu cầu giáo viên: “Không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại để phục vụ học tập... các hoạt động đã được thiết kế trong Kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả các học sinh phải có điện thoại để sử dụng ...” (theo Công văn hướng dẫn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 về việc xây dựng và tổ chức kế hoạch giáo dục của nhà trường gửi các địa phương).

Qua giám sát cho thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho giáo viên quyền quyết định việc cho phép hoặc không cho phép học sinh sử dụng điện thoại. Như vậy, sẽ xảy ra tình trạng cùng một môn học, cùng một trường có thể có giáo viên quyết định cho sử dụng điện thoại, có giáo viên không cho sử dụng, điều này sẽ không đảm bảo sự thống nhất về phương thức giảng dạy.

Về vấn đề này, Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học như là thiết bị hỗ trợ hoạt động học có được coi là chính sách chung không? Nếu là chính sách chung thì phải áp dụng thống nhất trong cả nước, không thể chỉ giao trách nhiệm quyết định cho giáo viên.

Đồng thời, cần phải đánh giá một cách khách quan và toàn diện sự tác động của việc thực hiện quy định này trong điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước hiện nay cũng như khả năng quản lý của nhà trường và giáo viên đối với việc sử dụng điện thoại của học sinh để ban hành quy định phù hợp.

Cũng liên quan đến lĩnh vực giáo dục, Ban Dân nguyện cho hay, từ kỳ họp thứ 8, cử tri tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị có văn bản hướng dẫn kinh phí cho kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia (THPT QG) để các địa phương có căn cứ thực hiện và kịp thời ban hành quy định mức chi chuẩn bị cho kỳ thi THPT năm 2020 theo quy định.

Theo báo cáo từ năm 2018 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào và Bộ Tài chính đã nhiều lần có văn bản trao đổi về việc ban hành thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 66. Tuy nhiên đến nay, hai bộ vẫn chưa thống nhất ý kiến về những nội dung hướng dẫn nên văn bản hướng dẫn chưa được ban hành.

Do vậy, Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, ban hành Thông tư hướng dẫn kinh phí cho kỳ thi THPT QG.

VŨ THỦY

Đề xuất quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài

Lê Minh Hoàng