Ảnh minh họa.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 131/2020/QH14 (gọi tắt là Nghị quyết số 131) của Quốc hội và Nghị định 33/2021/NĐ-CP (gọi tắt Nghị định số 33) của Chính phủ về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh, UBND thành phố vừa kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của UBND quận theo định mức khoán phù hợp với tình hình thực tế của địa bàn các quận dựa trên khả năng cân đối của ngân sách thành phố.
UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội đưa vào cơ chế đặc thù cho TP. Thủ Đức (thuộc TP. Hồ Chí Minh) nhiệm vụ chi khoa học và công nghệ cho TP. Thủ Đức vì sau khi thành lập, TP. Thủ Đức được xác định là nơi chuyển giao công nghệ mới cho các tỉnh Đông Nam Bộ và mở rộng áp dụng các dịch vụ, sản phẩm công nghệ 4.0 tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, khi thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội và Nghị định 33 của Chính phủ, UBND quận, phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách, không có nguồn kết dư, chi khác, dự phòng và tăng thu ngân sách, dẫn tới việc mất tính chủ động trong công tác điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cũng như gặp khó khăn trong việc đảm bảo kinh phí kịp thời để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng về quốc phòng, an ninh, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh và nhiệm vụ phát sinh đột xuất trong năm trên địa bàn.
Đơn cử, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, trường hợp UBND quận là đơn vị dự toán ngân sách không còn kết dư và dự phòng ngân sách thì thời gian giải quyết kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn tại địa phương không kịp thời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Theo UBND thành phố, từ ngày 01/7/2021 chính quyền địa phương ở quận tại TP. Hồ Chí Minh là UBND quận, chính quyền địa phương ở TP. Thủ Đức là UBND phường. Tuy nhiên Nghị quyết 131 của Quốc hội và Nghị định 33 của Chính phủ chưa đề cập đến cơ quan, người có thẩm quyền quyết định việc thay thế, bãi bỏ các nghị quyết quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân quận, phường trong trường hợp UBND quận, phường thực hiện rà soát văn bản của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp chưa cập nhật tên đơn vị hành chính mới (TP. Thủ Đức) thay thế cho 3 đơn vị hành chính cũ (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức) trên phần mềm công cụ hộ tịch, do đó công chức phụ trách hộ tịch tại UBND 34 phường trên địa bàn TP. Thủ Đức gặp khó khăn trong việc thực hiện phần mềm liên thông với cơ quan bảo hiểm xã hội. Đồng thời, công chức tư pháp tại Phòng Tư pháp TP. Thủ Đức không thể in trực tiếp giấy tờ hộ tịch từ phần mềm mà phải thực hiện phương thức thủ công, mất nhiều thời gian và dễ bị sai sót.
Ngoài ra, báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội và Nghị định 33 của Chính phủ, thành phố đã hoàn tất việc bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường theo thẩm quyền; sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư sau khi thành lập TP. Thủ Đức, đồng thời đề nghị Bộ Nộ vụ trình Chính phủ bổ sung biên chế công chức tại thành phố Hồ Chí Minh theo quy định là 3.735 biên chế nhưng đến nay chưa được thông qua. Đối với nội dung phân cấp ủy quyền, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định về phân cấp, ủy quyền cho UBND TP. Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức cũng như đang xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố.
PV
Hà Nội phấn đấu 100% giáo viên, nhân viên trường học tiêm vaccine