Ngày 17/01, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan đề nghị sớm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Ảnh minh họa.
Theo VATA, kể từ ngày 01/01/2025, khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB), Luật Đường bộ và các nghị định, thông tư hướng dẫn bắt đầu có hiệu lực. Khi vào thực tế, hai nội dung trong thông tư hướng dẫn của Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang khó khăn, đình trệ hoạt động và thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 điều 11 Thông tư số 58/2020/TT-BCA ngày 16/6/2020 của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng chỉ bắt buộc: “Đối tượng cấp đổi, cấp lại biển số xe:...; xe hoạt động kinh doanh vận tải đã được đăng ký cấp biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen”. Không bắt buộc phải đổi “giấy chứng nhận đăng ký xe”.
Tuy nhiên, quy định mới tại điểm b, khoản 3 Điều 39 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; khoản 3 Điều 18 Thông tư số 79/2024/TT-BCA ngày 15/11/2024 của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, yêu cầu "đổi chứng nhận đăng ký xe” khi “biển số xe nền màu trắng, chữ và số màu đen đổi sang biển số xe nền màu vàng, chữ và số màu đen”.
Từ đầu tháng 01/2025 đến nay, VATA nhận được rất nhiều phản ánh về tình trạng các Trung tâm đăng kiểm từ chối không kiểm định đối với xe ô tô kinh doanh có “biển số xe nền màu vàng, chữ và số màu đen” nhưng chưa “đổi chứng nhận đăng ký xe” phù hợp với các quy định pháp luật mới nêu trên.
Thực tế hiện nay đa số xe kinh doanh của doanh nghiệp và cá nhân bao gồm xe khách, xe tải, xe taxi... đều vay thế chấp ngân hàng bằng “Chứng nhận đăng ký xe”. Việc rút, mượn “Chứng nhận đăng ký xe” từ ngân hàng ra để đem đến cơ quan CSGT “đổi chứng nhận đăng ký xe” là không thể thực hiện được. Nếu không “đổi chứng nhận đăng ký xe” phù hợp với “biển số xe nền màu vàng, chữ và số màu đen” thì các Trung tâm đăng kiểm từ chối không kiểm định, như vậy xe không thể hoạt động được.
Điều này đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, xe phải dừng hoạt động. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa, đi lại của người dân, xã hội rất lớn, trong khi có xe nhưng không đủ điều kiện lưu thông trên đường.
Hiện nay, có khoảng 01 triệu xe ô tô kinh doanh vận tải đã đổi “biển số xe nền màu trắng, chữ và số màu đen sang biển số xe nền màu vàng, chữ và số màu đen” và không đổi chứng nhận đăng ký xe theo quy định tại Thông tư số 58/TT-BCA. Để tháo gỡ vướng mắc vấn đề này, VATA kiến nghị Cục CSGT áp dụng chuyển đổi số, sử dụng thuật toán để đổi chứng nhận đăng ký xe, tương tự việc tự động gia hạn thời hạn kiểm định ô tô mà Cục Đăng kiểm Việt Nam đã áp dụng trong thời gian vừa qua.
Tiếp đến, theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 23 “Thủ tục cấp giấy phép lưu hành xe” của Thông tư số 39/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 của Bộ GTVT “Quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích trên đường bộ; hàng siêu trường, siêu trọng, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ; cấp giấy phép lưu hành cho xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ” (Thông tư số 39/2024/TT-BGTVT), cụ thể:
Từ đầu tháng 01/2025 đến nay, VATA nhận được rất nhiều phản ánh về tình trạng các cơ quan cấp GPLHX từ chối nhận đơn đề nghị và không cấp GPLHX đối với các trường hợp phương tiện không vượt quá khổ giới hạn và tải trọng của đường bộ, nếu “Thành phần hồ sơ” khi xin GPLHX không có “báo cáo kết quả khảo sát” theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 23 Thông tư số 39/2024/TT-BGTVT. Việc vận dụng quy định này là trái với quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 52 Luật TTATGTĐB “a)Trường hợp xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích vượt quá tải trọng, khổ giới hạn của công trình đường bộ thì tổ chức, cá nhân có nhu cầu lưu hành xe chịu trách nhiệm khảo sát, thiết kế, gia cường công trình đường bộ”.
Một số cơ quan cấp GPLHX hiểu rằng, những xe đó có chiều rộng vượt quá kích thước của phương tiện (theo quy định là 2,5m). Do đó, yêu cầu phải có “báo cáo kết quả khảo sát”. Thực tế, những trường hợp này chỉ là xe quá khổ giới hạn của phương tiện hoặc chở hàng siêu trường có kích thước bao không vượt quá khổ giới hạn và tải trọng đường bộ (đã được công bố, không bị hạn chế khổ giới hạn và tải trọng theo quy định), tức là chiều rộng xe không vượt quá chiều rộng 01 làn đường (làn đường có chiều rộng tối thiểu là 3,5m), trừ đường có cấp kỹ thuật thấp. Nhưng phương tiện trên có chiều rộng khoảng 2,78m đến nhỏ hơn 3,5m.
Trước tình hình trên, VATA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn nghiên cứu, tham mưu theo hướng:
Cục ĐBVN tổ chức hướng dẫn cho các Sở GTVT, các Khu QLĐB hiểu được quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 52 Luật TTATGTĐB để áp dụng cho quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 23 Thông tư số 39/2024/TT-BGTVT. Đồng thời đề nghị Cục ĐKVN phối hợp hướng dẫn để cơ quan cấp phép hiểu được khổ giới hạn và khối lượng toàn bộ của phương tiện khác với khổ giới hạn và tải trọng của đường bộ.
Khẩn trương nhận hồ sơ và cấp GPLHX kịp thời cho doanh nghiệp vận tải đối với các trường hợp không thuộc quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 52 Luật TTATGTĐB.
VATA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp quan tâm chỉ đạo, Cục CSGT, Cục ĐKVN và Cục ĐBVN khẩn trương tham mưu giải quyết các kiến nghị nêu trên để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, người dân và xã hội.
Cũng theo VATA, hiện nay, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định thời gian làm việc của lái xe không quá 48 giờ trong một tuần, không lái xe liên tục quá 04 giờ, không lái xe quá 10 giờ trong một ngày.
Tuy nhiên, VATA cho rằng hệ thống đường bộ của nước ta thường xảy ra ùn tắc giao thông, đặc biệt tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các quốc lộ qua đô thị.
Ngoài ra, một số đường cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ, khiến người điều hành vận tải và tài xế không làm chủ được thời gian lái xe trên đường. Đây là nguyên nhân chính làm tài xế vi phạm quy định thời gian lái xe.
Lý do thứ hai là thiết bị giám sát hành trình trên xe có tính năng đo thời gian hoạt động và tốc độ của xe chưa được quy trong Nghị định số 135/2021/NĐ- CP về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.
Thứ ba là pháp luật đo lường cũng chưa quy định kiểm định định kỳ thiết bị giám sát hành trình nên thông số thời gian hoạt động, tốc độ và quãng đường đi của xe thu được qua thiết bị này chênh lệch với công tơ mét của xe. Đây cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến vi phạm thời gian lái xe.
Một lý do khác là trước đây doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô có xe chạy đường dài như tuyến Bắc - Nam, Tây Bắc… đều bố trí 02 tài xế. Để đảm bảo quy định về thời gian lái xe của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ thì phải bố trí 03 tài xế.
Tuy nhiên, bố trí thêm tài xế lại gặp khó hoặc không thể thực hiện được với xe đầu kéo chỉ thiết kế 02 ghế và quy định chỉ được 02 người ngồi (kể cả xe có thiết kế giường nằm).
Từ trình bày trên, VATA kiến nghị Thủ tướng và các bộ liên quan chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn nghiên cứu, điều chỉnh quy định của pháp luật theo hướng giãn, nâng thời gian lái xe trong tuần tối đa từ 55 giờ đến 60 giờ; quy định thời gian lái xe liên tục và trong ngày tăng 10% so với quy định hiện hành.