(LSVN) - Mới đây, Công ty Luật Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP. HCM) đã gửi kiến nghị đến Chủ tịch UBND TP. HCM đề nghị bổ sung hoạt động dịch vụ pháp lý của các Tổ chức hành nghề Luật sư vào dự thảo Kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP. HCM từ sau ngày 15/9/2021.
Trong thời gian vừa qua, theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. HCM đã áp dụng nhiều biện pháp chống dịch rất quyết liệt, hạn chế rất nhiều ngành nghề hoạt động, trong đó có tổ chức hành nghề Luật sư.
Thành phố đã ban hành nhiều văn bản với các mức độ khác nhau, từ hạn chế cho đến cấm hoàn toàn. Trong đó, nghề Luật sư gần như bị “tê liệt” từ khi dịch bùng phát vào cuối tháng 5. Hơn ba tháng qua, hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư bị đóng băng (nhất là đối với lĩnh vực tố tụng và dịch vụ pháp lý), nhiều Luật sư lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
Thời điểm trước khi dịch bùng phát, công ty Luật Trần Bá Học có 7 người làm việc toàn thời gian và đủ số lượng. Tuy nhiên, đến tháng 6/2021, theo khuyến cáo của thành phố, công ty chỉ bố trí mỗi ngày 1 nhân viên làm việc luân phiên để đảm bảo công tác phòng chống dịch và đến đầu tháng 7, công ty đóng cửa hoàn toàn do bị phong tỏa và thành phố áp dụng các văn bản cấm ra đường, kể cả tổ chức hành nghề Luật sư.
Theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức hành nghề Luật sư vẫn được tiếp tục hoạt động và phải đảm bảo công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, không hiểu vì sao khi triển khai thực hiện tại TP. HCM lại không cho tổ chức hành nghề Luật sư hoạt động?
Và cho đến khi thành phố ban hành dự thảo Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn thành phố sau ngày 15/9/2021, tại các mục ngành nghề giai đoạn 1 vẫn không có hoạt động dịch vụ pháp lý (bổ trợ cho hoạt động tư pháp) được đưa vào hoạt động chung với ngành nghề như công chứng theo Theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Dự thảo này chỉ cho ngành dịch vụ pháp lý hoạt động tại giai đoạn 3, sau ngày 15/01/2022.
Việc thành phố bỏ sót hoạt động dịch vụ pháp lý là chưa phù hợp và ảnh hưởng lớn đến hơn 6000 Luật sư của TP. HCM. Việc dịch bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế của đất nước. Tổ chức hành nghể Luật sư rất chia sẻ những khó khăn của lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên, không vì thế mà tiếp tục không cho ngành dịch vụ pháp lý hoạt động để bổ trợ cho hoạt động tư pháp.
Chính vì vậy, Công ty Luật Trần Bá Học đề nghị Chủ tịch UBND TP. HCM bổ sung hoạt động của tổ chức nghề Luật sư vào dự thảo cho giai đoạn 1, từ ngày 15/9/2021 hoặc chậm nhất là ngày 01/10/2021.
Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTG ngày 31/3/2020 Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 và mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế và duy trì các hoạt động quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh thiết yếu,ngày 03/4/2020 Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2601/VPCP-KGVX hướng dẫn về thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tại mục 2 Công văn nêu rõ: “Các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, Luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...) được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch". Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Công văn số 1221/BTP-PLHSHC ngày 03/4/2020 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng, Luật sư được tiếp tục hoạt động. Ngày 9/9/2021, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có Văn bản số 270/LĐL về việc kiến nghị Luật sư thuộc nhóm đối tượng thực hiện dịch vụ thiết yếu của xã hội trong phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục xác định hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý, tham gia tố tụng, tư vấn và trợ giúp pháp lý của các tổ chức hành nghề Luật sư và các Luật sư cho các chủ thể xã hội đang diễn ra hàng ngày là một trong những dịch vụ thiết yếu trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, phù hợp tình hình thực hiện giãn cách xã hội ở từng địa phương. |
HỒNG HÀ