/ Kinh tế - Pháp luật
/ Kiến nghị đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa

Kiến nghị đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa

27/05/2022 08:43 |

(LSVN) - Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ này đã kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa sách giáo khoa (SGK) vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định.

Hà Nội: Thành lập các hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10

Ảnh minh họa. 

Theo Bộ GD&ĐT, ngày 28/11/2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Trong đó, nêu: "Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách SGK; có một số SGK cho mỗi môn học."; "Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông”. Tại thời điểm đó, đa số các đại biểu Quốc hội cũng như dư luận trong xã hội đều mong muốn thực hiện chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK, xã hội hóa trong biên soạn SGK và tạo cạnh tranh bình đẳng giữa các bộ sách, giao quyền chủ động lựa chọn SGK cho các trường (theo đúng xu thế quốc tế).

Theo Điều 5 Luật Xuất bản, có 7 nhà xuất bản đăng ký bổ sung chức năng xuất bản SGK. Với việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, các nhà xuất bản sẽ được tham gia in ấn, phát hành…  NXB tự bỏ tiền chi cho khâu biên soạn sách nên giá sách chịu các yếu tố tác động của thị trường. Theo quy định của Luật Giá, giá SGK do doanh nghiệp (các nhà xuất bản) tự xây dựng, quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá SGK và thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường; đồng thời niêm yết, công khai đầy đủ thông tin về giá sách.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết đã đề nghị các Nhà xuất bản kê khai giá; rà soát tiết giảm tối đa chi phí sản xuất để giảm giá sách SGK; hỗ trợ SGK cho học sinh thuộc đối tượng chính sách xã hội, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hỗ trợ thư viện trường học để có đủ SGK; truyền thông rộng rãi về SGK theo chương trình mới. Riêng với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước do Bộ GD&ĐT quản lý, Bộ đã chỉ đạo đơn vị này nhiều biện pháp để giảm chi phí, hạ giá thành và giá bán SGK. Bộ GD&ĐT khẳng định, giá các bộ sách mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thường thấp hơn giá của các NXB khác.

Bộ GD&ĐT đánh giá việc triển khai đổi mới SGK phổ thông đã thu hút đông đảo đội ngũ trí thức, nhà giáo, chuyên gia giỏi tham gia; vì được nhiều Nhà xuất bản tham gia nên việc in ấn, phát hành diễn ra trong môi trường cạnh tranh theo đúng Luật Cạnh tranh năm 2018. Không còn độc quyền trong xuất bản SGK như trước đây. Tuy nhiên, cơ chế kê khai giá như hiện nay sẽ có thể dẫn đến hiện tượng mức giá cao, thấp khác nhau tạo tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh, trong khi đó SGK thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn nên Nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định.

PV

Những vấn đề pháp lý xung quanh việc nhập siêu xe dưới hình thức biếu tặng để kinh doanh

Nguyễn Mỹ Linh