Thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) cho biết, hiện nay, Bộ luật Lao động quy định người làm việc trong điều kiện bình thường không quá 8 giờ mỗi ngày, 48 giờ mỗi tuần. Nhà nước khuyến khích tuần làm việc 40 giờ, song quy định này chưa phổ biến do năng suất lao động còn thấp, thu nhập chưa cao, người lao động phải kéo dài thời gian làm việc để đảm bảo đời sống.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ở khu vực công, chế độ làm việc 40 giờ mỗi tuần (8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần) được áp dụng theo Quyết định 188/1999 của Thủ tướng nhằm tăng hiệu quả công việc hành chính, tiết kiệm chi phí điện nước, ngân sách chi trả và giúp công chức, viên chức có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Do đó, Đại biểu đề nghị sớm trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần thực hiện từ năm 2026, tiến tới còn 40 giờ/tuần thực hiện từ năm 2030.
Ngoài ra, Đại biểu cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp lựa chọn quy định giờ làm theo ngày hoặc tuần, nhưng phải thông báo cho người lao động biết.
Liên quan đến giảm giờ làm việc, Nghị quyết số 101/2019/QH14 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp.
Năm 2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nêu đề xuất này, nhằm hướng tới đảm bảo sự công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan, hành chính nhà nước, hiện là 40 giờ/tuần, và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần). Đồng thời, tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình.
Bộ luật Lao động 2019 hiện hành quy định người lao động làm việc trong điều kiện bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày, và không quá 48 giờ mỗi tuần. Doanh nghiệp có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày, hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã có Công ước 47 về làm việc 40 giờ một tuần, xác định các quốc gia cần tiếp tục giảm giờ làm cho mọi loại hình công việc, mà tiêu chuẩn sống không bị giảm bớt. Thống kê của ILO cho thấy hiện hầu hết quốc gia đã áp dụng chế độ 40 giờ, thậm chí dưới 40 giờ. Những giới hạn này giúp thúc đẩy năng suất lao động cao hơn, trong khi đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động.