/ Pháp luật - Đời sống
/ Kiến nghị làm rõ phạm vi và định nghĩa 'Dữ liệu cá nhân cơ bản' trong dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Kiến nghị làm rõ phạm vi và định nghĩa 'Dữ liệu cá nhân cơ bản' trong dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

19/03/2025 10:26 |1 tháng trước

(LSVN) - Cục Thuế kiến nghị cần quy định rõ ràng phạm vi và định nghĩa “Dữ liệu cá nhân cơ bản” nhằm đảm bảo tính thống nhất, cụ thể trong công tác quản lý và bảo vệ dữ liệu thuế cá nhân.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại về thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại diện lãnh đạo Ban Công nghệ, Chuyển đổi số và Tự động hóa (Cục Thuế) cho biết, ngành Thuế đã có những bước tiến mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Trải qua hơn 30 năm phát triển, hệ thống công nghệ thông tin của ngành đã được hiện đại hóa toàn diện, hỗ trợ xử lý hàng triệu hồ sơ thuế và giám sát nghĩa vụ thuế của cá nhân, tổ chức.

Hiện nay, công nghệ thông tin được ứng dụng xuyên suốt trong tất cả các khâu của quy trình quản lý thuế, từ tiếp nhận, xử lý hồ sơ, hạch toán nghĩa vụ thuế đến truyền nhận văn bản nội bộ và cung cấp dịch vụ thuế điện tử. Toàn ngành hiện quản lý hơn 80 triệu mã số thuế và hàng trăm triệu hồ sơ thuế, đảm bảo vận hành thông suốt, hiệu quả.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Năm 2024 đánh dấu những kết quả nổi bật trong triển khai dịch vụ thuế điện tử. Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử đạt 99,93%, với 952.327/952.967 doanh nghiệp tham gia. Ứng dụng eTax Mobile ghi nhận hơn 2,2 tỉ lượt tải, thực hiện 3,9 tỉ giao dịch, với tổng số tiền nộp thành công lên tới 8.543 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới tiếp tục được đẩy mạnh, với 436 sàn thương mại điện tử đã gửi dữ liệu đến cơ quan thuế. Việc triển khai hóa đơn điện tử cũng đạt bước tiến quan trọng, với 100% cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước tham gia, tổng số hóa đơn điện tử gửi đến cơ quan thuế đạt 11,78 tỉ hóa đơn.

Tại buổi làm việc, Cục Thuế đã đề xuất một số nội dung cần được làm rõ trong dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đặc biệt là các quy định liên quan đến phạm vi và định nghĩa của “Dữ liệu cá nhân cơ bản” nhằm đảm bảo tính cụ thể, thống nhất trong việc quản lý và bảo vệ dữ liệu thuế của cá nhân.

Cục Thuế cũng kiến nghị cần bổ sung hướng dẫn về cơ chế chỉ định tổ chức và chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ và Bộ Tài chính quy định chi tiết, hướng dẫn thực thi chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo đó, Cục Thuế nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập kinh tế quốc tế. Với vai trò là cơ quan quản lý thuế, ngành Thuế luôn chú trọng đến việc đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc về quản lý và sử dụng dữ liệu theo quy định của pháp luật. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và sự đóng góp từ thực tiễn của các ngành sẽ là yếu tố quan trọng để Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ sớm hoàn thiện và được áp dụng hiệu quả, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời hỗ trợ phát triển nền kinh tế số một cách an toàn và bền vững.

Làm rõ cơ sở pháp lý liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân

Trước đó, tại chương trình Phiên họp thứ 43, ngày 11/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo đó, Chính phủ đã có Tờ trình về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong đó cho thấy, có tới 69 văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam, nhưng tất cả đều chưa thống nhất về khái niệm và nội hàm dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân, chỉ có Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2024 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân đưa ra định nghĩa về 02 nội dung này.

Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trên môi trường truyền thống, qua rà soát pháp luật cho thấy, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trên môi trường truyền thống, bao gồm dữ liệu cá nhân trong các tài liệu, hồ sơ, bệnh án ở trên giấy đang chưa được quy định cụ thể trong bất kỳ văn bản pháp luật hiện hành nào. Đặc biệt là thiếu vắng các quy định chi tiết và chỉ rõ các biện pháp bảo vệ quyền của chủ thể dữ liệu.

Các quy định pháp luật đang có hiệu lực, sau khi đã loại trừ các văn bản tập trung vào đối tượng là dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng, mới chỉ có quy định chung về bảo vệ bí mật cá nhân, bí mật gia đình, thông tin về đời sống riêng tư, không kể hình thức chứa đựng thông tin là trên các phương tiện điện tử hay hồ sơ giấy…

Do đó, việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức.

Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm 7 chương, 69 điều; quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan với các nội dung: Thống nhất thuật ngữ và xây dựng một số khái niệm quan trọng về bảo vệ dữ liệu cá nhân như: dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân, làm rõ khái niệm và nội hàm của dữ liệu cá nhân cơ bản, dữ liệu cá nhân nhạy cảm, dữ liệu phi cá nhân, khử nhận dạng dữ liệu cá nhân; xây dựng 7 nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm: Hợp pháp, minh bạch, đúng mục đích, hạn chế, chính xác, an ninh, giới hạn thời gian lưu trữ, trách nhiệm giải trình.

Bên cạnh đó, dự thảo quy định quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu, về điều kiện bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các tổ chức kinh doanh dịch vụ xử lý dữ liệu cá nhân, dịch vụ cung cấp tổ chức bảo vệ dữ liệu cá nhân...

Ngoài ra, dự thảo quy định quản lý Nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan theo hướng Chính phủ thống nhất thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Bộ Công an là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về dữ liệu cá nhân, trừ phạm vi của Bộ Quốc phòng; trách nhiệm của bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên xử lý dữ liệu, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu, bên thứ ba, tổ chức, cá nhân có liên quan.

 

MINH QUÝ (t/h)

Các tin khác