Kiến nghị một số giải pháp nhằm ngăn chặn nạn chạy chức chạy quyền

01/06/2022 03:53 | 1 năm trước

(LSVN) - Trước tình trạng nạn chạy chức, chạy quyền ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi, PV Tạp chí Luật sư Việt Nam đã có buổi trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm, Thanh tra viên chính, Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ liên quan đến vấn đề này.

Ảnh minh họa.

PV: Bà đánh giá thế nào về thực trạng chạy chức chạy, chạy quyền hiện nay?

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm: Những năm qua, chạy chức, chạy quyền là một trong những vấn đề nan giải, trở thành một vấn nạn của toàn xã hội. Vấn nạn này đã dần "bóp méo" nhiệm vụ quan trọng của công tác cán bộ, làm sai lệch nghiêm trọng kết quả tuyển dụng, bổ nhiệm người có đủ trình độ, năng lực đáp ứng vị trí việc làm trong công tác cán bộ. Nó làm suy giảm uy tín của Đảng và Nhà nước, mất lòng tin của nhân dân, thậm chí gây bức xúc trong nhân dân và cả cán bộ, công chức có trình độ, năng lực mà không được lựa chọn.

PV: Xin bà cho biết những khó khăn thường gặp trong việc phát hiện, xử lý việc chạy chức chạy quyền?

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm: Hiện nay, các hình thức chạy chức, chạy quyền ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp, ẩn náu dưới nhiều hình thức, rất khó phát hiện, khó xử lý. Đặc biệt, việc thực hiện các quy định về chống chạy chức, chạy quyền hiện nay còn chưa thực sự hiệu quả. Thể hiện ở việc tình trạng chạy chức, chạy quyền vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều bộ, ngành, địa phương, nhưng số vụ việc được phát hiện, xử lý liên quan đến chạy chức, chạy quyền thì còn hạn chế.

Kết quả tổng kết 20 năm thực hiện chiến lược cán bộ cho thấy, trong công tác cán bộ vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa chọn được người đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.

PV: Theo bà, tình trạng chạy chức, chạy quyền nếu không được kiểm soát thì nó sẽ gây ra hậu quả như thế nào? 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm: Nạn chạy chức, chạy quyền này làm suy giảm uy tín của Đảng và Nhà nước, mất lòng tin của nhân dân, thậm chí gây bức xúc trong nhân dân và cả cán bộ, công chức có trình độ, năng lực mà không được lựa chọn. Hiện nay, vẫn có cán bộ năng lực hạn chế, vi phạm kỷ luật, không gương mẫu, để xảy ra mất đoàn kết hoặc không đủ thời gian công tác vẫn được bố trí vào chức vụ cao hơn.

Việc bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân cán bộ lãnh đạo vẫn xảy ra ở một số nơi, thậm chí xuất hiện khái niệm bổ nhiệm “thần tốc”.  

PV: Theo bà, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm: Hiện nay, do thiếu những biện pháp hiệu quả để giám sát, kiểm soát quyền lực của người được giao quyền. Do người bị thiệt hại, người bị ảnh hưởng hoặc người biết về vụ việc chưa “chủ động” tố cáo các hành vi vi phạm; hoặc tố cáo thì dưới hình thức nặc danh nên chưa có đủ cơ sở để xem xét, xử lý,…

Mặt khác, cũng do các quy định hiện nay về chống chạy chức, chạy quyền còn nằm rải rác; quy định về sự phối hợp, phân cấp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý vụ việc liên quan đến chạy chức, chạy quyền cũng chưa được quan tâm đúng mức. 

PV: Theo bà, để ngăn chặn tình trạng này thì giải pháp là gì? 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm: Để hạn chế được nạn chạy chức, chạy quyền cần triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền. Kiên quyết không để lọt người kém năng lực, phẩm chất vào bộ máy hệ thống chính trị, nhưng đồng thời không bỏ sót người có đức, có tài để tham gia, bố trí vào cấp ủy và các chức vụ tương xứng,... 

Bên cạnh đó, cần quy định rõ và nâng cao trách nhiệm, thẩm quyền của Uỷ ban kiểm tra các cấp, các cơ quan liên quan trong phòng, chống chạy chức, chạy quyền. 

PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi.

ĐOÀN TÂN

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực