/ Pháp luật - Đời sống
/ Kiến nghị một số giải pháp nhằm thực hiện nghiêm túc việc xin ý kiến đối với dự thảo kết luận thanh tra

Kiến nghị một số giải pháp nhằm thực hiện nghiêm túc việc xin ý kiến đối với dự thảo kết luận thanh tra

15/10/2024 14:34 |

(LSVN) - Để triển khai thực hiện các hoạt động thanh tra đảm bảo theo đúng quy định Luật Thanh tra năm 2022, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra, trong bài viết, tác giả đã đưa ra một số kiến nghị nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả việc xin ý kiến đối với dự thảo kết luận thanh tra.

Khoản 1 Điều 78 Luật Thanh tra năm 2022 quy định: "1... Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoặc có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo; trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra".

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Như vậy, đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoặc có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

Khi phát sinh các nội dung này thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, còn các trường hợp còn lại thì không cần phải xin ý kiến, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình.

Trên thực tế, phát sinh nhiều trường hợp, người ra quyết định thanh tra là Chánh Thanh tra cấp tỉnh, Chánh Thanh tra cấp huyện khi có khó khăn, vướng mắc trong dự thảo kết luận thanh tra hoặc phát hiện sai phạm nhưng không dám kết luận, kiến nghị nên phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp (Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện) ngoài các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Thanh tra năm 2022; có trường hợp, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp không có ý kiến hoặc có ý kiến bằng hình thức khác, không phải hình thức bằng văn bản nên gây khó khăn cho người ra quyết định thanh tra. Việc này sẽ ảnh hưởng đến thời hạn ban hành kết luận thanh tra, cũng như nội dung kết luận, kiến nghị của kết luận thanh tra sẽ không được đảm bảo.

Để triển khai thực hiện các hoạt động thanh tra đảm bảo theo đúng quy định Luật Thanh tra năm 2022, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra, theo tác giả cần triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung sau:

Thứ nhất, Thanh tra cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện công tác thanh tra, nhất là người có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra (Chánh Thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện; Chánh Thanh tra các sở, ban, ngành có chức năng thanh tra) ban hành các kết luận thanh tra đảm bảo đúng quy định của Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ; hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan về công tác thanh tra. Thường xuyên rà soát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh tra nhằm đảm bảo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, đối với các nội dung chỉ đạo Thanh tra cấp tỉnh, Thanh tra cấp huyện tổ chức triển khai các nội dung liên quan đến công tác thanh tra chỉ được thực hiện bằng văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện theo đúng quy định của Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ; không sử dụng thể thức Văn bản của Văn phòng UBND cấp tỉnh hoặc Văn bản của Văn phòng HĐND - UBND cấp huyện để truyền đạt ý kiến Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc chỉ đạo Thanh tra cấp tỉnh, Thanh tra cấp huyện tổ chức triển khai các cuộc thanh tra do Thanh tra cấp tỉnh, Thanh tra cấp huyện thực hiện.

Thứ ba, đối với văn bản của Thanh tra cấp tỉnh, Thanh tra cấp huyện báo cáo, xin ý kiến Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện về dự thảo kết luận thanh tra, Văn phòng UBND cấp tỉnh, Văn phòng HĐND - UBND cấp huyện có trách nhiệm theo dõi, báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét đảm bảo thời gian theo quy định tại khoản 1 Điều 78, Luật Thanh tra 2022. Việc tuân thủ thời gian có ý kiến chỉ đạo đối với dự thảo kết luận thanh tra sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện kịp thời, nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật thanh tra.

Thứ tư, đối với các nội hoạt động thanh tra của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (có chức năng thanh tra) thì Giám đốc Sở phải chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật Thanh tra năm 2022; Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan (trong đó, lưu ý về chức năng, thẩm quyền, thể thức văn bản,... khi chỉ đạo nội dung về công tác thanh tra).

ĐỖ VĂN NHÂN
Chánh Thanh tra Sở Tư pháp Kon Tum