Trong đó, đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Lưu Văn Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo luật, đồng thời nhận đinh hồ sơ dự án luật cơ bản đủ điều kiện để thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2.
Góp ý hoàn thiện dự án Luật, đại biểu cho biết, tại Điều 2, có 23 khái niệm được giải thích ý nghĩa rõ ràng, cụ thể. Về thủ tục hành chính, đại biểu nhấn mạnh, khám chữa bệnh là dịch vụ đặc thù có liên quan chặt chẽ tới tính mạng, sức khỏe của người dân, do đó, việc kiểm soát chặt chẽ điều kiện, trách nhiệm hành nghề là hết sức cần thiết. Đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể các trình tự, thủ tục hành chính, các yêu cầu về khám, chữa bệnh.
Đánh giá dự thảo luật có bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính, quản lý hoạt động khám, chữa bệnh, đại biểu cho biết, đối với các quy định kế thừa quy định của luật hiện hành, thời gian xử lý của cơ quan quản lý nhà nước đã được dự thảo Luật rút ngắn nhiều, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các thủ tục hành chính có liên quan giữa cơ quan nhà nước và cơ sở khám, chữa bệnh.
Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần đề cập cụ thể đến việc rút ngắn thủ tục hành chính giữa cơ sở khám, chữa bệnh với người bệnh.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết ngay sau Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan để tiếp thu, giải trình tối đa các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo luật; tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm chuyên gia, xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động và tiến hành khảo sát tại địa phương về việc thực hiện chính sách khám bệnh, chữa bệnh và về tài chính, nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến các nội dung như: Hội đồng Y khoa quốc gia; thời hạn của giấy phép hành nghề; cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh; nguồn ngân sách nhà nước cho công tác khám bệnh, chữa bệnh; tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước; xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh… cùng một số vấn đề các đại biểu quan tâm.
PV
Những điều chỉnh liên quan đến chính sách BHYT sau khi bỏ sổ hộ khẩu